Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết trong 10 tháng năm 2022, trị giá nhập khẩu cao su (HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt hơn 10,7 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc với 1,8 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022 chiếm gần 17%, cao hơn so với mức 16,7% của 10 tháng năm ngoái. Trong khi đó, Thái Lan giảm từ 33,6% xuống còn 33,2%, Malaysia giảm còn 8,8%, Nhật Bản giảm còn 5,6%...
Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, nhập khẩu các mặt hàng này đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, trị giá nhập khẩu cao su tự nhiên (HS 4001) của Trung Quốc đạt 3,24 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với 249,7 triệu USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 7,7% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 6,3% của 10 tháng năm 2021.
Bên cạnh đó, trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) của Trung Quốc đạt 4,35 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 1,54 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 35,5% trong tổng trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 38% của 10 tháng năm 2021.
Hoài Anh