Giá mục tiêu cao hơn của VCSC chủ yếu đến từ việc cập nhật giá mục tiêu theo mô hình định giá chiết khấu dòng tiền đến cuối năm 2021 và giảm dự báo chi phí vốn chủ sở hữu từ 13,8% còn 12,6%. Các tác động tích cực này một phần bị ảnh hưởng bởi mức giảm 48%/23%/13%/13% lần lượt trong dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2021/2022/2023/2024.
Các mức điều chỉnh giảm trong dự báo LNST sau lợi ích CĐTS của VCSC chủ yếu đến từ (1) kéo dài khung thời gian giả định để phục hồi sản lượng (tính theo RPK), hiện được VCSC dự báo sẽ quay về mức đã ghi nhận vào năm 2019 trong năm 2024 so với năm 2023 như dự báo trước đây; (2) giả định giá vé máy bay quốc tế thấp hơn khi VCSC cho rằng VJC sẽ cạnh tranh với mức giá thấp hơn trong giai đoạn phục hồi ban đầu của mảng hàng không quốc tế.
Trong năm 2020, VCSC dự báo VJC sẽ ghi nhận khoản lỗ trị giá 2,9 nghìn tỷ đồng trong LNST cốt lõi, chủ yếu đến từ (1) RPK giảm 67% chủ yếu do trì hoãn việc gỡ bỏ lệnh cấm đối với các chuyến bay quốc tế; và (2) giá vé máy bay nội địa trung bình (tính theo lợi suất hành khách) giảm 22% YoY. Lợi nhuận tính theo cơ sở hợp nhất dự kiến ở mức âm (1,7 nghìn tỷ đồng) khi VCSC dự báo khoản lỗ trong mảng vận tải của VJC chỉ được bù đắp bởi mảng kinh doanh liên quan đến bán máy bay, bao gồm các hợp đồng bán và cho thuê lại (SALB) và quyền từ chối đầu tiên (ROFR).
VCSC cho rằng ngành hàng không của Việt Nam sẽ phục hồi như đã phục hồi mạnh mẽ sau các đợt đại dịch và cú sốc kinh tế trong quá khứ. Tuy nhiên, VCSC cho rằng cần nhiều thời gian hơn để phục hồi so với trước đây do dịch COVID-19 diễn biến trái chiều trên toàn cầu.
Đà phục hồi của ngành hàng không bị ảnh hưởng do làn sóng dịch COVID-19 thứ hai và các lệnh hạn chế chuyến bay quốc tế duy trì ở mức cao. Sau khi tổng số lượng chuyến bay giảm 66% YoY trong quý 2/2020, sản lượng hàng không trong nước của VJC đã phục hồi trong tháng 7 với số lượng chuyến bay chỉ giảm 38% YoY.
Tuy nhiên, số lượng chuyến bay của hãng hàng không này đã quay về xu hướng giảm trong tháng 8 và tháng 9 với các mức giảm tương ứng là 78% và 81% YoY khi làn sóng dịch COVID-19 thứ hai xuất hiện tại Việt Nam. Sau khi làn sóng thứ hai hạ nhiệt, số lượng chuyến bay của VJC giảm 59% trong tháng 10.
VCSC giả định sản lượng hàng không trong nước (tính theo RPK) của VJC trong năm 2021/22/23/24 lần lượt tương đương 99%/106%/111%/114% con số năm 2019 khi VCSC cho rằng ngành hàng không trong nước sẽ phục hồi mạnh mẽ với các lệnh cấm nhanh chóng được gỡ bỏ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả.
Các chuyến bay quốc tế dự kiến cần nhiều thời gian hơn để phục hồi. Các chuyến bay quốc tế đã được phép hạ cánh tại Việt Nam từ tháng 9, tuy nhiên, các lệnh hạn chế và quy định cách ly duy trì ở mức chặt chẽ. Ngoài ra, khách du lịch quốc tế vẫn chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam.
VCSC kỳ vọng các lệnh hạn chế chuyến bay quốc tế sẽ được nới lỏng trong 6 tháng cuối năm 2021 khi VCSC cho rằng vaccine COVID-19 sẽ có tiến triển tích cực. VCSC giả định sản lượng hàng không quốc tế (tính theo RPK) của VJC trong năm 2021/22/23/24 lần lượt tương đương 29%/81%/91%/102% con số năm 2019.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành