Cập nhật HVN: Gói hỗ trợ giúp chèo lái qua giai đoạn hồi phục còn dài

Theo VCSC, gói cứu trợ được Chính phủ và các cổ đông thông qua, nhưng hiện chưa công bố kế hoạch chi tiết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, trong tháng 11/2020, Chính phủ đã phê duyệt gói cứu trợ cho HVN bao gồm kế hoạch phát hành cổ phiếu với tổng số vốn 8 nghìn tỷ và khoảng vay 4 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Vào cuối tháng 12/2020, HVN đã tổ chức ĐHCĐ bất thường thông qua việc phát hành quyền mua cho tất cả các cổ đông hiện hữu với tổng giá trị là 8 nghìn tỷ đồng, sẽ hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2021.

Số tiền thu được từ đợt phát hành quyền này sẽ được sử dụng làm vốn lưu động và thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn và sẽ không được sử dụng cho đầu tư hoặc các hoạt động ngoài cốt lõi khác. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ đại diện Chính phủ (pháp nhân sở hữu 86% cổ phần của HVN) tham gia đợt phát hành quyền mua.

Tại ĐHCĐ bất thường, cổ đông của HVN đã ủy quyền cho HĐQT xây dựng phương án phát hành cổ phiếu và xin ý kiến cổ đông để thông qua tại ĐHCĐ thường niên sắp tới. Tuy nhiên, đến cuối tháng 2/2021, chúng tôi vẫn chưa có thêm thông tin về việc phát hành cổ phiếu.

Các chuyến bay thương mại quốc tế dự kiến sẽ được nối lại vào nửa cuối năm 2021. Cụ thể, các chuyến bay thương mại quốc tế đã bị tạm hoãn tại Việt Nam vào tháng 12/2020. Kể từ đó, Chính phủ đã không công bố mốc thời gian mới để mở lại các chuyến bay quốc tế.

Theo các chuyên gia trong ngành, một số các chuyến bay hạn chế kết nối Việt Nam với các nước châu Á có thể được nối lại bắt đầu từ nửa cuối 2021. VCSC dự báo lưu lượng các chuyến bay quốc tế của HVN trong năm 2021/22/23/24/25 sẽ tương đương với lần lượt khoảng 26%/73%/83%/ 92% của số trước giai đoạn COVID-19.

Bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây đã có báo cáo cập nhật đối với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HVN).

Theo báo cáo cập nhật, VCSC nâng giá mục tiêu thêm 1% đạt 28.700 đồng/CP và giữ khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho Tổng CT Hàng không Việt Nam (HVN). Giá cổ phiếu của HVN đã tăng 17% trong 3 tháng qua.

Giá mục tiêu cao hơn của VCSC chủ yếu đến từ dự báo EBITDAR cao hơn lần lượt 3% và 1% trong năm 2021 và 2022, phần lớn đến từ giả định giá vé cao hơn 4% và 2% lần lượt cho 2 năm này.

Trong năm 2021, VCSC dự báo HVN sẽ ghi nhận lỗ 5 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 46% khoản lỗ năm 2020. Khoản lỗ thấp hơn này chủ yếu được dẫn dắt bởi mức tăng 29,3% trong doanh thu và tỷ lệ đòn bẩy từ HĐKD cao hơn của HVN, Dự phóng lỗ 2021 của VCSC hiện tại là thấp hơn 15% dự báo trước đây, một phần được hỗ trợ bởi thay đổi giả định phương pháp khấu hao từ đường thẳng sang hiệu suất hoạt động.

Trong năm 2022, VCSC dự báo khoản lỗ 3 nghìn tỷ đồng – thấp hơn 14% dự báo trước đây – và tăng dự phóng LNST sau lợi ích CĐTS các năm 2023/2024/2025 thêm lần lượt 130%/32%/43% chủ yếu được dẫn dắt bởi mức tăng 2% trong giả định giá vé, và thay đổi phương thức khấu hao.

VCSC tin rằng ngành hàng không của Việt Nam sẽ phục hồi như đã thể hiện đà phục hồi mạnh mẽ sau các đại dịch và cú shock kinh tế trong quá khứ. Tuy nhiên, VCSC tin rằng đà phục hồi sẽ tốn nhiều thời gian hơn do diễn biến không đồng đều của dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Yếu tố hỗ trợ (rủi ro): Nối lại các chuyến bay quốc tế nhanh hơn/(chậm hơn) dự kiến; giá dầu thô duy trì (cao hơn).

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

Tạ Thành