Lí do xuất thô
Chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường các nước chủ yếu là chè sơ chế ở dạng thô, có chất lượng không cao, giá thấp nên mặc dù khối lượng xuất khẩu khá lớn nhưng trị giá vẫn ở mức thấp.
Theo các chuyên gia ngành chè, 90% lượng chè xuất khẩu của Việt Nam vẫn là xuất thô. Đây cũng là điểm mấu chốt làm cho chè Việt có giá trị thấp (chỉ bằng 50 – 60% giá bình quân thế giới) vì không có thương hiệu.
Một trong những lí do là bởi tính liên kết còn yếu, chưa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Các doanh nghiệp cũng chậm đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, thiếu chú trọng các chương trình nghiên cứu phát triển (R&D) các sản phẩm xuất khẩu chè có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, sản phẩm chè của Việt Nam không đa dạng chủng loại cũng như chất lượng chè không được đánh giá cao, đi đôi với đó là mẫu mã và quy chuẩn kém dẫn đến tình trạng chè Việt Nam không có khả năng cạnh tranh với sản phẩm chè của các quốc gia khác.
Dễ thở ở thị trường dễ tính
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng về diện tích và thứ 6 trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Thế nhưng, hiện tổng doanh thu của toàn ngành chè chỉ đạt khoảng 552 triệu USD trong năm 2020, trong đó xuất khẩu chè chỉ đem về 217,7 triệu USD, quá thấp nếu đem so sánh với nhiều loại nông sản khác như cà phê, tiêu, điều, cao su
Hiệp hội chè Việt Nam (Vitas), cho biết xuất khẩu chè Việt Nam hiện vẫn chủ yếu là ở các thị trường dễ tính, với 3 thị trường chính gồm: Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga. Tại các thị trường lớn có yêu cầu cao và khó tính như Mỹ, EU… thì chè Việt Nam gần như chưa tìm được chỗ đứng.
Pakistan vẫn là quốc gia đứng đầu về sức tiêu thụ chè của Việt Nam xuất khẩu sang, con số đạt trên 17.274 tấn, tương đương với 33,41 triệu USD trong nửa đầu năm; chiếm 29,7% trong tổng lượng và chiếm 35,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước
Với những thị trường lớn trên thế giới là EU, Mỹ… thì chè Việt Nam vẫn chưa tìm được chỗ đứng. Bởi các thị trường này có yêu cầu cao và khó tính, trong khi sản phẩm chè Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được chất lượng cũng như mẫu mã.
Trong vài năm qua, xuất khẩu của ngành chè Việt Nam sang EU giảm rõ rệt về cả kim ngạch và lượng.
Bên cạnh đó, khâu chế biến, tiêu thụ chè hiện cũng tồn tại nhiều bất cập. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư chè chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường vẫn còn khiêm tốn. Hiện cả nước có 370 tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu chè tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp.
Liên kết giữa các khâu sản xuất và chế biến vẫn còn khá lỏng lẻo, cả nước chỉ có 10% số các công ty/nhà máy chế biến chè đã có vùng nguyên liệu riêng để phục vụ cho chế biến
Không những thế, công tác quảng bá thương hiệu của ngành chè chưa tốt. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là rào cản lớn để chè Việt Nam tiếp cận được các thị trường cao cấp tiềm năng. Thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam được đánh giá còn khá nghèo nàn về tính đa dạng sản phẩm và chất lượng cũng chưa cao.
Xây dựng ngành chè theo hướng hiện đại
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường lớn và góp phần nâng chất lượng các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào dây chuyền sản xuất, để đưa các sản phẩm chè sơ chế vào chế biến, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp
Về định hướng phát triển cây chè bền vững trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, xây dựng ngành chè phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, đa dạng, trên cơ sở nhu cầu của thị trường gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ, đẩy mạnh thâm canh và sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, nguồn nước, lao động để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Phát triển sản xuất chè phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến chè, hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi các vùng sản xuất chè hàng hóa tập trung quy mô lớn, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, trên cơ sở huy động được mọi nguồn lực, phát huy lợi thế của từng vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh, mang lại giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập cho người sản xuất và doanh nghiệp.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững ngành chè trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra một số giải pháp đồng bộ từ tổ chức vùng sản xuất, khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu giống gắn với định hướng sản phẩm chè…, đến phân vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực chế biến, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại
Các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, từ khâu sản xuất đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm toàn bộ quy trình được kiểm soát đúng quy chuẩn. Như vậy mới góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm chè.
Hương Trà