Xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) nằm ngay dưới chân đèo Pha Đin, nơi đây được thiên nhiêu ưu ái về khí hậu, thổ nhưỡng, được mệnh danh là “xứ sở chè xanh”.
Phổng Lái là xã có diện tích chè lớn nhất huyện Thuận Châu, với 750 ha chè, bao gồm hai loại chính là chè Oolong và chè xanh. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và việc áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt trong trồng, chăm sóc, thu hái, sản xuất và chế biến, chè Phổng Lái có nhiều điểm khác biệt và ưu thế so với chè ở các địa phương khác. Sản phẩm chè nơi đây nổi bật với màu nước xanh tự nhiên, hương thơm nhẹ nhàng và vị đậm chất dịu.
Cây chè đã khẳng định vị thế vững chắc là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân ở xã Phổng Lái. Đến nay, đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Kinh… tại các bản như: Pá Chặp, Khau Lay, Thư Vũ… đều tích cực phát triển, mở rộng diện tích trồng chè. Nhờ có cây chè, người dân Phỏng Lái, nhất là bà con dân tộc Mông đã bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, sống định canh, định cư. Cùng với việc trồng các loại cây ăn quả, bà con chú trọng thâm canh cây chè. Những nương chè ngày càng mở rộng trên các triền đồi, trở thành nguồn thu nhập chính và góp phần ổn định, phát triển đời sống của người dân các dân tộc nơi đây.
Đặc biệt, để phát huy tiềm năng và thế mạnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, những năm gần đây, nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè đã tham gia hợp tác, hướng dẫn người trồng chè ở Phỏng Lái ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo nguyên liệu sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Điển hình là các đơn vị như: Công ty TNHH nông sản Thân Nga, Công ty chè Thu Đan, Hợp tác xã chè Phỏng Lái… Nhờ sự hợp tác này, hiệu quả kinh tế thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chè đã được nâng lên rõ rệt.
Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay cây chè trên đất Phổng Lái đã chứng minh là một trong những cây trồng chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Những người nông dân ở đây luôn chú trọng quan tâm đến cây chè trong việc đầu tư giống mới, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, cải tạo và trồng mới và xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh đó, những nương chè xanh trải dài bát ngát cùng với hương sắc núi rừng Tây Bắc là nơi thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức và du lịch trải nghiệm. Hình ảnh các cô, các chị vai đeo túi, đôi tay thoăn thoắt mà khéo léo hái những búp chè cũng đã thu hút được sụ tò mò và thích thú của khách du lịch muốn được tìm hiểu và trải nghiệm phương thức sản xuất chè. Qua đó, ngày càng có nhiều du khách nước ngoài yêu thích các sản phẩm ẩm thực của Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. Cây chè xã Phổng Lái đã góp một phần không nhỏ trong việc quảng bá văn hóa uống trà, một nét văn hóa rất riêng của nước ta đến với khách thập phương.
Sản phẩm chè Phổng Lái đến nay không chỉ xây dựng cho mình một thương hiệu riêng mà còn đang ngày càng vươn lên phát triển hơn nữa trên thị trường và trở thành một trong những sản phẩm chủ lực, tiêu biểu theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đưa Phổng Lái thoát khỏi đói nghèo để từ đó trở thành một xã phát triển kinh tế nhất của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.