Cây chè xanh làm giàu cho người nông dân Thái Nguyên

Chè là một loại cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cao, một thức uống lý tưởng có nhiều giá trị về dược liệu, bên cạnh đó cách trồng, chế bến trà còn là một nét văn hóa lâu đời của người Việt từ xưa tới nay.

Theo các nghiên cứu về sinh vật học, Việt Nam là một trong những quê hương của cây chè trên thế giới. Chè là một cây công nghiệp lâu năm, có đời sống kinh tế lâu dài, mau cho sản phẩm, cho hiệu quả kinh tế cao. Chè trồng một lần, có thể thu hoạch 30 - 40 năm hoặc lâu hơn nữa tùy thuộc vào từng giống chè. Ngày nay trên thế giới có khoảng 40 nước trồng chè. Chè được trồng tập trung nhiều nhất ở châu Á, sau đó đến châu Phi.

Nông dân Phú Đô thu hoạch trà trung du cổ.
Nông dân Phú Đô thu hoạch trà trung du cổ.

Nghề trồng chè Việt Nam đã có từ lâu, nhưng cây chè được khai thác và trồng với diện tích lớn mới bắt đầu khoảng hơn 50 năm nay. Trong các vùng trồng chè, thì vựa chè Thái Nguyên có nguồn thu nhập chủ yếu, góp phần quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Việc sản xuất và cung cấp chè vừa có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng trong nước và nhu cầu xuất khẩu. Chính bởi vậy, so với các loại cây trồng khác ở Việt Nam, cây chè là một trong những cây có ưu thế nhất cả về thích ứng với điều kiện khí hậu và nguồn lực lao động.

Do điều kiện đất đai và khí hậu thích hợp cho nên cây chè được trồng rải rác ở hầu hết các tỉnh trung du và miền núi của Việt Nam. Ở miền Nam chè được trồng chủ yếu ở hai tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai, ở miền Bắc là các tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai...

Nói đến Trà Thái Nguyên, ngoài nhớ đến đây là một loại đặc sản nổi tiếng, với những đồi chè xanh mướt, dài bất tận, mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây. Cây chè trung du được ví như “linh hồn” tạo nên thương hiệu chè nơi đây. Mặc dù hiện nay người dân chuyển sang trồng chè giống lai cho năng suất cao hơn nhưng xét về lịch sử cây chè ở Thái Nguyên, thì giống chè trung du hay còn gọi là chè ta vẫn mang đậm văn hóa trà ở xứ trung du.

Bà Dương Thị Bình, thành viên HTX trà an toàn Phú Đô thu hoạch chè xanh hữu cơ.
Bà Dương Thị Bình, thành viên HTX trà an toàn Phú Đô thu hoạch chè xanh hữu cơ.

Bà Dương Thị Bình cho biết, gia đình tôi là người quê gốc ở Thái Bình nhưng tôi được sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên. Vào những năm thập niên 50 - 60 bố mẹ tôi đã từ Thái Bình lên vùng đất xã Phú Đô, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) để làm kinh tế mới. Khi bố mẹ tôi lên đây đã trồng cây chè ta để thu búp, rồi sao khô bằng chảo gang và đem ra chợ phiên để bán. Từ đó mà cây chè đã gắn bó với đời sống, tinh thần của gia đình tôi và cư dân nơi đây.

Gia đình tôi có 4 lao động, không ai phải đi làm xa cả, mà ở nhà sản xuất gần 1 hecta chè chủ yếu là giống chè cành và giống chè trung du cổ trồng sen với rừng sản xuất không chăm bón bằng phân hay thuốc sâu, cứ để cây chè mọc búp tự nhiên và đi thu hoạch đem về chế biến, đóng gói và bán. giá loại trà trung du cổ vip 1 gia đình tôi bán 1,5 triệu đồng trên 1 kg, qua đó thu nhập của gia đình không ngừng tăng lên, mỗi năm có từ 300 - 500 triệu đồng, bình quân thu nhập mỗi người được chừng trên 100 triệu đồng.

Hoàng Tuấn