CDC Thừa Thiên Huế nói gì về những thông tin trái chiều trong đấu thầu

Khẳng định những dấu hiệu khuất tất trong việc đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng chống dịch Covid-19 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư, phía doanh nghiệp đã có đơn phản ánh.

Thay đổi cấu hình và giá cả

Công ty Cổ phần Dược liệu và công nghệ y tế Đ.T (gọi tắt là Công ty Đ.T) cho biết, đã có những dấu hiệu khuất tất trong đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng chống dịch Covid-19 do CDC Thừa Thiên Huế thực hiện là không phù hợp với gói thầu đã công khai trước đó.

CDC Thừa Thiên Huế nói gì về những thông tin trái chiều trong đấu thầu  - Ảnh 1

Theo quyết định số 2252/QĐ-UBND, ngày 13/9/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành về việc phê duyệt danh mục, kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng chống dịch Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp đợt 3. Việc mua sắm trong đợt này gồm 8 gói thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn. Chủ đầu tư thực hiện việc mua sắm là CDC Thừa Thiên Huế, tổng mức đầu tư 18.822.935.000 đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp y tế năm 2021.

Cũng tại quyết định này, CDC Thừa Thiên Huế phải chịu trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ đề xuất và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; thực hiện đàm phán, thương thảo với nhà cung ứng về giá vật tư, đảm bảo tiết kiệm ngân sách.

Công ty Đ.T cho hay, một số vật tư, trang phục phòng, chống dịch trong đợt mua sắm do CDC Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư đã có sự thay đổi về cấu hình, không phù hợp với gói thầu đã đấu thầu công khai trước đó.

Cụ thể, các bộ trang phục bảo hộ chống dịch cấp độ 4 đã bị thay đổi các thành phần như: Khẩu trang N95:3M- Mỹ đổi thành N95-Pháp; bao giày Danameco- Việt Nam đổi thành Thời Thanh Bình- Việt Nam; găng tay HTC- Việt Nam đổi thành Merufa- Việt Nam; kính bảo vệ Polison Corporation- Đài Loan đổi thành Sugie- Đài Loan.

Theo phía Công ty Đ.T, có thể giảm 20-30% so với giá trúng thầu trước đó và có thể giảm đến mức lợi nhuận thấp, hoặc không lợi nhuận, nhưng không hiểu vì sao không được chủ đầu tư lựa chọn, không nhận được thông báo để đàm phán, thương thảo về giá cả trong đợt mua sắm này.

Cũng theo đại diện Công ty Đ.T, nếu xét về giá thấp nhất để phục vụ công tác chống dịch thì Công ty Đ.T đã có bộ sản phẩm trang phục phòng chống dịch thương hiệu Phú Quý với mức 65.000 đồng/bộ. Mức giá này thấp hơn tất cả mức giá các nhà thầu khác đưa ra và bộ trang phục Phú Quý hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế nhưng vẫn không được chủ đầu tư lựa chọn.

Công ty Đ.T cho biết, trước đây, đã trúng gói thầu số 2 mua sắm trang phục phòng chống dịch thuộc Dự án mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 theo Quyết định 548/QĐ-SYT ngày 21/6/2021 của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế theo hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng. Gói thầu này bao gồm bộ trang phục phòng chống dịch cấp độ 2, thương hiệu Danameco- Việt Nam và bộ trang phục chống dịch cấp 4 thương hiệu Lakeland- Mỹ.

Ông Lê Hữu Sơn (bìa phải)- Tổ trưởng Tổ chuyên gia đấu thầu (CDC Thừa Thiên Huế). Ảnh: Quốc Dũng.
Ông Lê Hữu Sơn (bìa phải)- Tổ trưởng Tổ chuyên gia đấu thầu (CDC Thừa Thiên Huế). Ảnh: Quốc Dũng.

Chủ đầu tư nói gì?

Sau khi có phản ánh từ Công ty Đ.T, Ông Lê Hữu Sơn- Tổ trưởng Tổ chuyên gia đấu thầu (CDC Thừa Thiên Huế) thông tin, việc thay đổi cấu hình một số vật tư, trang phục phòng, chống dịch trong đợt mua sắm do CDC tỉnh làm chủ đầu tư so với gói thầu đã được Sở Y tế đấu thầu công khai trước đó là không nắm rõ, nguyên nhân là do tổ chuyên gia đấu thầu này mới thành lập.

Đối với việc Công ty Đ.T phản ánh không được thông báo để đàm phán, thương thảo về giá cả, ông Sơn cho rằng theo quy định chỉ định thầu rút gọn chỉ cần tối thiểu 3 báo giá và ông đã gửi thông báo cho 8 đơn vị.

Về phản ánh bộ sản phẩm áo quần bảo hộ thương hiệu Phú Quý của Công ty Đ.T cung cấp với giá 65.000 đồng/bộ, thấp hơn giá tất cả các nhà thầu khác, nhưng chủ đầu tư lại lựa chọn bộ mang thương hiệu Đức Minh của doanh nghiệp khác có giá cao hơn, ông Lê Hữu Sơn giải thích là do bộ mang thương hiệu Đức Minh có chất lượng vải tốt hơn.

Ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế cho biết, việc thay đổi cấu hình trang phục phòng chống dịch là do người sử dụng lựa chọn. Sở Y tế tỉnh đã họp hội đồng, mời đại diện 9 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tham gia. Trên cơ sở đánh giá sản phẩm nào phù hợp nhất cho người sử dụng và giá cả thì hội đồng lựa chọn sản phẩm đó.

Trao đổi PV, Công ty Đ.T cho biết, trên thực tế bộ trang phục phòng chống dịch mang thương hiệu Đức Minh chưa từng được sử dụng ở Thừa Thiên Huế nên không có cơ sở để đánh giá rằng sản phẩm này chất lượng hơn sản phẩm mang thương hiệu Phú Quý. Đây chỉ là sự biện minh trong việc chỉ định thầu, đại diện Công ty Đ.T khẳng định.

Bùi Quốc Dũng

Từ khóa:
#h