Tuy nhiên, nhiều trường, nhất là các trường ĐH ở phía Nam có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh lớn vẫn chưa công khai Đề án tuyển sinh ĐH năm 2021.
Đề án tuyển sinh của các trường ĐH là thông tin chính thống nhất để thí sinh tham khảo, cân nhắc trong lựa chọn phương thức đăng ký xét tuyển cũng như ngành, tổ hợp môn để đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH.
Đặc biệt, với trường áp dụng các tiêu chí phụ, những thông tin này càng phải được công bố sớm để thí sinh có thời gian cân nhắc, lựa chọn, đối chiếu để bảo đảm quyền lợi khi nộp hồ sơ tham gia xét tuyển.
Theo các trường ĐH, chậm trễ do Bộ GD&ĐT chưa công bố lịch thi tốt nghiệp và thời gian đăng ký dự thi chính thức. Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH cũng đang lấy ý kiến. Điều này khiến các trường chưa chốt được phương thức tuyển sinh chính thức để công bố.
Tuy nhiên, theo nội dung của dự thảo quy chế tuyển sinh cũng như ý kiến đóng góp của đại diện các trường ĐH trong Hội nghị tuyển sinh ĐH 2021, nguyên tắc tuyển sinh năm nay gần như không thay đổi so với năm trước. Những sửa đổi, bổ sung của quy chế theo hướng có lợi cho thí sinh như được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần thay vì 1 như năm trước.
Chi phí đăng ký nguyện vọng xét tuyển giảm còn 25.000 đồng/nguyện vọng… Mặt khác, khi chưa có quy chế tuyển sinh mới thay thế, quy chế tuyển sinh hiện hành sẽ là căn cứ để các trường xây dựng đề án tuyển sinh.
Dư luận đang đặt câu hỏi, phải chăng việc các trường ĐH chậm công khai đề án tuyển sinh năm 2021 để cân nhắc bài toán học phí và cân đối tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh giữa các phương thức xét tuyển? Qua tham khảo một số cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học, mức học phí hiện nay khá thấp so với chi phí đào tạo tính trên mỗi sinh viên.
Trong các cuộc họp, Bộ GD&ĐT cho biết dự kiến học phí sẽ không tăng so với năm ngoái. Nhưng tăng hay giữ nguyên học phí đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Trong khi đó, học phí vẫn là nguồn thu chính của các cơ sở giáo dục đại học, trong điều kiện nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là không đáng kể.
Công bố đề án tuyển sinh cũng đồng thời đưa ra mức thu học phí và lộ trình tăng học phí từng năm. Có thể, chưa công bố đề án tuyển sinh cũng là động thái để chờ quyết định chính thức của Bộ GD&ĐT về việc tăng hay giữ nguyên mức học phí.
Tuy nhiên, dù với lý do nào đi chăng nữa, việc chậm trễ trong công bố đề án tuyển sinh của các trường ĐH sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của chính trường đó trong công tác tuyển sinh.
Theo quy định, sau ít nhất 15 ngày kể từ khi công khai đề án trên trang thông tin điện tử, các trường mới bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Việc chậm trễ này dẫn đến các mốc thời gian khác trễ theo.
Từ câu chuyện này cũng cho thấy cần sớm công bố các quy định, quy chế liên quan đến công tác tuyển sinh, thi tốt nghiệp THPT, tạo hành lang pháp lý để các trường ĐH và THPT chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh. Học sinh và phụ huynh có thời gian xây dựng kế hoạch học - ôn thi cũng như lựa chọn ngành nghề, trường học.
Hà Nguyên
Theo Giáo dục & Thời đại