Con người là sản phẩm của tự nhiên và xã hội. Hai yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng sản phẩm ấy là giáo dục và y tế. Hoạt động giáo dục và chăm lo sức khỏe cho con người luôn sôi động mỗi ngày. Đây là những lĩnh vực rất quan trọng, phong phú, phức tạp và cũng không kém phần nhạy cảm được xã hội, truyền thông dõi theo, giám sát, khai thác và phản ánh thông tin đa chiều, cả tốt, xấu. Hai năm qua, sau 4 đợt dịch covid-19 hoành hành, hoạt động y tế và giáo dục được xem là nóng bỏng, gian khổ, vất vả. Trước hết, ngành y tế phải tìm mọi giải pháp để cứu chữa cho người mắc dịch; phải phối hợp toàn diện với các lực lượng khác phòng, chống hiệu quả, từng bước đẩy lui dịch bệnh. Cũng như thế giới, kịch bản đó ở nước ta chưa có tiền lệ. Theo đó, hoạt động giáo dục từ bỡ ngỡ, lúng túng sang chủ động đưa hoạt động giáo dục - đào tạo - dạy và học thích ứng với hoàn cảnh “bình thường mới”.
Giáo dục là một trong những lĩnh vực luôn được xã hội và người dân đặc biệt quan tâm. Báo chí mỗi ngày đều dành dung lượng, thời lượng thích hợp để thông tin về hoạt động giáo dục ở tầm vĩ mô và vi mô. Thầy cô là hiện thực chủ thể trong những câu chuyện giáo dục - những người có vai trò góp phần làm nên chất lượng con người.
Ghi nhận, đánh giá cao, ngợi ca thầy cô và học trò vẫn là dòng thông tin chủ lưu báo chí mỗi khi phản ảnh về chuyện dạy và học. Yêu nghề, dấn thân, tận hiến hy sinh cho sự nghiệp trồng người là phẩm chất thường có, được trân trọng nâng niu và gìn giữ trong hầu hết thầy cô. Nhiều tấm gương thầy cô cháy hết mình dạy dỗ, chỉ bảo học trò; vượt khó gieo con chữ cho các lứa tuổi học trò, tận tâm vì sự nghiệp giáo dục xuất hiện mỗi ngày. “Không thầy đố mày làm nên, tôn sư trọng đạo” đã lưu giữ mãi hình ảnh giản dị mà sang trọng của thầy cô. Ai đã và đang trải qua nghề làm thầy cô đều có niềm tự hào ấy.
Muốn theo đuổi được sự nghiệp “gõ đầu trẻ” thì thầy cô luôn phải giữ phẩm cách cao quý - thanh tao, mô phạm; để rồi lưu giữ được hình ảnh tốt đẹp của mình trong mỗi học sinh, phụ huynh và xã hội. Thời cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập, cũng như ngành nghề khác, đã xuất hiện sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức, nhân cách trong một bộ phận giáo viên. Nghề giáo vốn nhạy cảm, đạo đức, phẩm cách thầy cô vẫn được đặt lên hàng đầu. Nếu vi phạm thì phải bỏ nghề cho dù tài năng của họ có thừa. Thầy cô có thể hạn chế, yếu kém về chuyên môn, học trò còn thông cảm, tha thứ, chia sẻ nhưng thiếu đạo đức, tha hóa nhân cách thì làm sao dạy được ai? Vì thế cũng như TÀI và ĐỨC, chữ SƯ và ĐẠO luôn phải song hành trong mỗi thày cô.
"Vì lợi ích trăm năm phải trồng người" - lời dạy của Bác nhắc nhở chúng ta, trồng người vô cùng kỳ công, phải qua nhiều thế hệ. Thầy cô tham gia vào công việc vừa khó khăn và hệ trọng ấy chắc chắn sẽ chịu nhiều áp lực không chỉ trên bục giảng, trên giảng đường mà cả trong cuộc sống thường nhật. “Lương sư hưng quốc, giáo dục là quốc sách hàng đầu” đặt ra yêu cầu mới, nhất là khi đại dịch kéo dài, khó lường. Thầy cô phải thích nghi với điều kiện học tập bình thường mới. Bao nhiêu khó khăn: học trực tuyến, online đã trở thành bắt buộc, phổ biến; các em học sinh cần máy tính, smartphone, thiết bị công nghệ kết nối đường truyền. Thầy cô phải chuẩn bị nội dung bài giảng và thay đổi phương pháp giảng dạy, tiếp cận học trò qua mạng internet; dần thích nghi trạng thái mới để làm thế nào đảm bảo chất lượng dạy và học; hấp dẫn học trò; quản lý học tập trong bối cảnh không tương tác trực tiếp thầy - cô - trò…Rất nhiều khó khăn, trở ngại đang thách thức thầy cô trong năm học mới. Thật đau đầu cho cả phụ huynh học sinh khi các con lớp tiểu học phải có người kèm cặp, học cùng, quản lý các cháu mỗi khi “lên sóng”.
Chưa bao giờ và khi nào hoạt động giáo dục lại gặp khó khăn như lúc này. Trong cái khó ló cái sáng tạo, bứt phá, đổi mới tư duy của không ít thầy cô. Tấm gương về nghị lực vượt khó hết lòng vì học sinh thân yêu đã và đang xuất hiện mỗi ngày. Trò vượt khó học để thành đạt, thành người; biết cống hiến cho xã hội thì không lẽ thầy cô không tự hào, chịu tụt hậu. Khi thầy - cô - trò cùng chí hướng vươn tới khát vọng bồi đắp tri thức và kỹ năng sống.
Dù công nghệ dạy học trên giảng đường đang dần thay thế phấn, bảng đen nhưng hình ảnh tuyệt đẹp được phác họa trong ca từ của bài hát còn vẹn nguyên cùng nghề giáo: “ Khi thầy viết bảng, bụi phấn bay bay. Có hạt bụi nào vương trên tóc thầy”. Đó là sự tôn vinh, kính trọng giản dị mà sâu sắc của các thế hệ học trò dành cho thầy cô - những người mang sứ mệnh cao cả - gieo hạt giống và nuôi trồng trong sự nghiệp trồng người.
Tôi rất tâm đắc với những triết lý trong công cuộc cải cách giáo dục - cách mạng giáo dục; học để biết, học để sống, học để thành. Cách mạng của sự học (mỗi người) luôn gắn với cách mạng của sự dạy để có thực học. Mỗi thầy cô luôn ghi nhớ và thực hiện cho được tư duy ấy. Chúc thầy cô luôn xứng với sự kính trọng của xã hội qua câu: “Nhất tự vi sư bán tự vi sư. Không thầy đố mày làm nên”.