Chất lượng thực sự bên trong những viên đá lạnh

Nhu cầu thị trường sử dụng và sự phát triển của ngành sản xuất đá viên tinh khiết. Có thể nhận rõ đá viên của những cơ sở này được sản xuất hàng loạt mỗi ngày cung ứng đến cho các cơ sở giải khát, nhà hàng siêu thị để bảo quản thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, chất lượng thực sự bên trong những viên đá này lại chưa thực sự được coi trọng.

Sản xuất nước đá không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) rất có thể những viên đá mát lạnh đó sẽ là ổ chứa các vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh cho chính người dùng. Ảnh minh họa - IT
Sản xuất nước đá không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) rất có thể những viên đá mát lạnh đó sẽ là ổ chứa các vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh cho chính người dùng. Ảnh minh họa - IT

Những quy trình như lấy, lọc nước, làm lạnh, bảo quản rồi vận chuyển tới nơi tiêu thụ đều rất mất vệ sinh. Thường tại các cơ sở sản xuất đá ở trên trần nhà được lợp bằng tôn rỉ sét, đầy mạng nhện, chung quanh che chắn rất sơ sài. Bụi bẩn bám vào các khay làm đá. Những khay làm đá đó thường đều bị rỉ sét, chung quanh rác thải tràn lan.

Một phần quan trọng là các cơ sở làm nước đá chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, hầu như không qua quá trình xử lý, lọc nước hay lắng cặn, …Về lâu về dài, độc chất trong nước có thể gây ra viêm đại tràng mãn tính, ảnh hướng tới chức năng gan thận.

Không chỉ công nghệ sản xuất đá viên mất vệ sinh mà còn cả công đoạn vận chuyển cũng tương tự như vậy. Đá thường được để dưới đất, trên vỉa hè sau đó được đưa lên xe máy, xe ba bánh mà không được che đậy, để rồi được chuyển đi tới khắp các hang cùng, ngõ hẹp trong thành phố. Khi tới nơi, những cây đá lại được vứt thẳng xuống đất và để mặc cho các chủ cửa hàng tự xử lý.

Tại các cửa hàng nước giải khát đường phố chủ yếu sử dụng loại đá này để phục vụ cho người tiêu dùng. Ở những nơi này, đá được để trong thùng xốp nhỏ. Người bán hàng thường dùng tay trần để bốc đá, người dùng không quan tâm đến những chi tiết đó, miễn sao là thỏa cơn khát.

Nhiều cửa hàng không sử dụng đá tinh khiết mà thường chỉ dùng đá cây, sau đó đập vụn cho vào thùng xốp bảo quản để bán cà phê, nước giải khát trong khi quy định thì đá cây chỉ được dùng để ướp thực phẩm.

Những nguy hiểm từ đá bẩn ảnh hưởng tới sức khỏe là rất lớn, bởi nó chứa rất nhiều vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh đường ruột, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy…Khuyến cáo từ các chuyên gia y tế hiện nay chỉ ra rằng, khi sử dụng nước đá nhiễm khuẩn (chủ yếu là E.coli, Coliforms…) , những vi sinh vật trong đó sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng ở nhiều mặt.

Trước hết là ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, đi tiêu phân đen hoặc có máu đỏ, nôn ói. Nghiêm trọng hơn, những vi sinh vật có trong nước đá nhiễm khuẩn còn có thể gây ra bệnh viêm gan siêu vi A, thương hàn, đường tiết niệu và thậm chí gây tử vong.

Bằng mắt thường rất khó để nhận biết nước đá có sạch hay không bởi nước đá không màu, không mùi, không thể dùng mắt nhìn hay mũi ngửi để đánh giá như những loại thực phẩm khác. Việc đem nước đá đi xét nghiệm trước khi dùng là điều không khả thi.

Nước đá bẩn là sản phẩm nước đá không đạt các tiêu chuẩn chất lượng để được lưu hành trên thị trường. Sản phẩm nước đá sạch, nước đá tinh khiết chỉ được công nhận đạt chuẩn theo QCVN 10:2011/BYT khi được duyệt qua 22 tiêu chí về mặt thành phần và 40 tiêu chí về mặt chất lượng. Nước đá bẩn thường là sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ và thiết bị cũ, không đảm bảo an toàn chất lượng trong khâu vận hành./.

Bùi Quốc Dũng