Cây chè dây Ra Zéh được chính quyền địa phương định hướng là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ đồng bào Cơ Tu sinh sống tại nơi đây. Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là cách duy nhất nâng cao giá trị cho dược liệu, tạo động lực phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Tư cho biết, trên địa bàn xã hiện nay diện tích trồng cây chè dây Ra zéh có trên 20 ha. Nhờ tổ chức sản xuất, chế biến theo quy trình chuỗi liên kết, có sự đầu tư bài bản về bao bì mẫu mã và chất lượng tốt nên “Chè dây Ra Zéh” của đồng bào Cơ Tu (Đông Giang) từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Từ một loại cây vô danh mọc hoang trong rừng, nay chè dây Ra Zéh đã trở thành sản phẩm độc quyền của xã Tư huyện Đông Giang với những lợi ích kinh tế mà loại chè mang lại.
Ông Phạm Quốc Phòng ở xã Tư, huyện Đông Giang chia sẻ, nhiều năm về trước ông cũng như nhiều hộ dân trong thôn đi phát nương, làm rẫy thấy quanh bờ nương rẫy có rất nhiều chè dây Ra zéh mọc tự nhiên nên các hộ dân hái đem về nấu nước uống hằng ngày. Ông Phòng nói, nước chè dây Ra zéh là thức uống điều trị bệnh về đường ruột, dạ dày, chữa lành vết loét, giúp an thần và ngủ ngon.
Vài năm trở lại đây, số lượng người đặt mua chè dây Ra zéh ngày càng nhiều nên các hộ dân đồng bào Cơ Tu rủ nhau lên rẫy, vào rừng thu hái chè dây mọc tự nhiên mang về sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm mang tính nhỏ lẻ, truyền thống. Nhờ công dụng hữu ích, chè dây Ra Zéh ngày càng được người tiêu dùng tìm mua, nhu cầu thị trường ngày càng lớn, người dân khai thác cường độ càng lớn, lại không đúng qui trình kỹ thuật đã khiến cho vùng chè dây mọc tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt.
Trước nguy cơ đó, năm 2015, chính quyền huyện Đông Giang ra chủ trương xây dựng dự án bảo tồn và phát triển cây chè dây Ra Zéh và chọn xã Tư của huyện triển khai thí điểm, bởi trên địa bàn xã này có diện tích chè dây mọc tự nhiên nhiều ở trên đồi, núi… Người dân được khuyến khích di thực cây chè dây Ra Zéh mọc tự nhiên trên rừng về trồng ở vườn nhà, vườn đồi và trên đất nương rẫy..,chính quyền hỗ trợ nguồn giống và kỹ thuật gây trồng.
Năm 2016, ông Phạm Quốc Phòng là người tiên phong đưa cây chè dây từ rừng về trồng thử nghiệm ở vườn nhà. Trong quá trình trồng, chăm sóc, theo dõi, ông thấy cây chè dây dễ trồng, sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng này.
Để có chè cung cấp thường xuyên cho thương lái, ông nghĩ đến việc ươm cây con để trồng trong vườn nhà, vườn đồi và đất nương rẫy canh tác kém hiệu quả. Năm đầu trồng với diện tích 0,5ha, hằng năm chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng cây chè dây và đến nay gia đình ông đang sở hữu đồi chè dây với qui mô hơn 1,5 ha. Chè dây sau khi trồng 8-10 tháng cho thu hoạch, mỗi năm thu hoạch 6-8 lần, năng suất bình quân năm đầu đạt 4-6 tấn chè tươi/ha, các năm sau năng suất tăng lên từ 15-20%. Hiện nay, đồi chè của gia đình ông Phòng mỗi năm thu hoạch từ 15-20 tấn, doanh thu 180-200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư thu được trên 100 trệu đồng tiền lãi.
Trước đây, người dân đồng bào Cơ Tu (Đông Giang) cuộc sống hằng ngày chủ yếu phụ thuộc vào việc phát nương làm rẫy, thu hái các lâm thổ sản và trồng rừng keo nguyên liệu..,công ăn việc làm bấp bênh, cuộc sống vô cùng vất vả, thiếu thốn.
Từ khi chính quyền địa phương thành lập, xây dựng HTX Nông nghiệp chế biến chè dây thành các sản phẩm trà, dược liệu…; HTX tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chè dây cho thành viên nên bà con rất phấn khởi. Để có nguồn nguyên liệu chủ động, UBND xã hỗ trợ HTX Nông nghiệp quỹ đất xây dựng vườn ươm hơn 1.000m2 để cung ứng giống cho các hộ dân. Một số hộ dân nòng cốt được bàn giao, hướng dẫn kỹ thuật trồng, sản xuất chè dây thương phẩm và chế biến chè khô, giúp bà con sản xuất số lượng chè dây nhiều hơn, nâng cao thu nhập và làm giàu từ cây chè dây. Nhờ trồng chè dây, nhiều hộ dân có thu nhập tốt, đời sống được nâng cao, ông Phòng cho biết thêm.
Ông Lê Duy Trường - Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Tư cho biết, ngay sau khi thành lập được chính quyền địa phương huyện, xã quan tâm hỗ trợ, HTX đầu tư kinh phí xây dựng nhà xưởng kiên cố, đảm bảo vệ sinh, đầu tư máy móc thiết bị chế biến, không ngừng hoàn thiện quy trình sản xuất. Tất cả các quy trình chế biến chè dây trải qua nhiều công đoạn như: sơ chế, làm sạch, băm nhỏ, sao, ủ lên men trong nhiều giờ sau đó sấy khô, đóng gói... đều được thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, cải tiến bao bì mẫu mã sản phẩm, tự công bố sản phẩm, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, đăng kí bảo hộ nhãn hiệu “Chè dây Ra Zéh”, đưa sản phẩm tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm mở rộng thị trường.
“Từ khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm của HTX được khách hàng biết đến nhiều hơn, qua đó giúp việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi. HTX mong muốn chính quyền tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho sản phẩm, xúc tiến thương mại đến người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho HTX và người dân, giải quyết việc làm ổn định cho các hộ gia đình thành viên”. Hiện năng lực chế biến của HTX là 1,5 tạ/ngày. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX cần đầu tư máy móc, thiết bị, kỹ thuật nâng cao năng lực sản xuất. HTX đang hướng tới việc đầu tư thêm một số máy móc, dây chuyền sản xuất với tổng kinh phí ước khoảng 500 triệu đồng - ông Trường chia sẻ./.
Bùi Quốc Dũng