Chè Mộc Châu tìm hướng vượt khó sau đại dịch Covid – 19

Ngoài áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để an toàn sản xuất, chế biến, chính quyền và doanh nghiệp chè ở Mộc Châu (Sơn La) nỗ lực tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa các kênh bán hàng, tiêu thụ… đồng thời chuyển hương kết hợp nông nghiệp và du lịch… để vượt qua khó khăn do dịch Covid – 19 gây ra.

An toàn để sản xuất

Huyện Mộc Châu hiện có 364 doanh nghiệp với hơn 5.500 lao động, tập trung chủ yếu ở thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông trường. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, như: Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, Công ty CP Chè Chiềng Ve, Cụm công nghiệp tại tiểu khu Bó Bun (thị trấn Nông trường)... Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các nhà máy trên địa bàn huyện Mộc Châu đã chủ động triển khai các biện pháp, nâng cao cấp độ phòng, chống dịch bệnh; xây dựng kịch bản ứng phó, đảm bảo an toàn cho người lao động và duy trì sản xuất, quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.

Chè Mộc Châu tìm hướng vượt khó sau đại dịch Covid – 19 - Ảnh 1

Tại các nhà máy, khu công nghiệp có nhiều công nhân làm việc trong môi trường kín, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan, huyện Mộc Châu đã ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị với công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng dịch tới người lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát không để các doanh nghiệp buông lỏng quản lý, chủ quan, lơ là; xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện quy định phòng, chống dịch.

Tại 2 nhà máy chế biến chè: Chè Đen và Vân Sơn (thị trấn Nông trường) của Công ty Vinatea Mộc Châu (thuộc Tổng Công ty Chè Việt Nam) hiện duy trì hoạt động, nhưng lượng công nhân giảm chỉ còn dưới 20 người/ca làm việc. Từ đầu tháng 5/2021, Công ty bước vào vụ sản xuất lứa chè thứ 2 đúng thời điểm dịch bệnh bùng phát, mọi hoạt động về công tác kiểm soát, phòng dịch được đơn vị thực hiện ở mức cao nhất. Các khâu kiểm soát y tế thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là kiểm soát lái xe vận tải của Công ty khi giao hàng đến các tỉnh, thành phố khác.

Anh Nguyễn Tiến Thành, lái xe vận tải Công ty Vinatea Mộc Châu, cho biết: Trung bình 1 tháng, tôi vận chuyển hơn 10 chuyến hàng đến các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội... để giao hàng theo hợp đồng đã ký kết giữa Công ty và các đơn vị tiêu thụ. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi chuẩn bị quần áo bảo hộ, nước sát khuẩn tay, phun khử trùng xe; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc giao, nhận hàng hóa. Khi trở về, tôi chủ động khai báo y tế, lịch trình di chuyển với các cơ quan chức năng và thực hiện cách ly nếu có yếu tố dịch tễ.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các doanh nghiệp đóng trên địa bàn duy trì việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại đơn vị theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19; tổ chức cho các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch tại nơi làm việc. Các đơn vị tích cực, chủ động ứng phó dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ và áp dụng nguyên tắc “3 trước”: Nhận diện trước; chuẩn bị phương án, lực lượng, vật tư trước và phát hiện, hành động, xử lý trước.

Để không ngưng trệ, đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng tại các nhà máy, cụm công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn huyện, còn rất cần ý thức, trách nhiệm của mỗi công nhân, người lao động tại các đơn vị góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Nỗ lực vượt khó qua đại dịch

Năm 2021, sản lượng chè xanh của Sơn La ước đạt 9.500 tấn, trong đó sản phẩm tại Mộc Châu chiếm tỷ trọng lớn... Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã tác động mạnh tới hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo khu vực hoặc toàn tỉnh, khiến sức mua các mặt hàng nông sản chủ lực trong đó có sản phẩm chè giảm mạnh. Đồng thời, Trung Quốc nâng mức độ phòng chống dịch bệnh COVID-19 lên cấp độ 1; tăng cường công tác kiểm dịch thực vật đối với các nông sản nhập khẩu dẫn tới hoạt động xuất khẩu hoa quả của tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch HĐQT Công ty chè Chiềng Đi (Sơn La) cho biết, đại dịch đã khiến nhiều đơn hàng xuất đi các nước của Công ty bị hoãn. “Ban đầu là những đơn hàng xuất đi Đài Loan (TQ), Australia bị hoãn hồi tháng 2, sang đến tháng 3. Dự tính, tình hình hiện tại, chắc khoảng 50% đơn hàng sẽ bị huỷ trong vòng 1 đến 3 tháng kế tiếp”.

Cũng theo ông Trường, với 30ha đồi chè thuê của 96 hộ gia đình, công suất 200 tấn/ năm chè sạch xuất đi các nước, đợt dịch bệnh này khiến Công ty gặp không ít khó khăn. Khác với các doanh nghiệp thương mại, sản phẩm của Công ty chè Chiềng Đi có thời gian từ khi bắt đầu sản xuất đến khi ra thành phẩm phải mất tầm 2 tháng và phải ứng toàn bộ tiền vật tư nông nghiệp và một phần tiền mặt cho dân nên việc không xuất được hàng là rất khó khăn. “Thu nhập của nông dân chỉ trông vào đồi chè, nên dù Công ty có bị ảnh hưởng, cũng phải tìm mọi cách để người dân ít bị ảnh hưởng nhất”.

Chè Mộc Châu tìm hướng vượt khó sau đại dịch Covid – 19 - Ảnh 2

Để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử, ngành dịch vụ hậu cầu đang được tỉnh ta chú trọng triển khai nhằm giảm thiểu các chi phí vận hành, giá cước.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin: Tỉnh ta đã ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 19/7/2019 về nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ logistics trên địa bàn. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu nâng cấp hạ tầng, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp logistics khảo sát, đầu tư, phát triển dịch vụ logistics tại thị trường Sơn La.

Riêng với các chính sách thu hút đầu tư các kho bảo quản nông sản, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/02/2020 trong đó quy định các HTX đầu tư cơ sở bảo quản rau, hoa quả tươi, chè, cà phê đạt 500 tấn/kho (sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, kho lạnh, bảo quản sinh học) sẽ được hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, xử lý nước thải, nhà xưởng và mua thiết bị. Mức hỗ trợ tối đa 70% chi phí đầu tư và không quá 1 tỷ đồng/dự án.

Một hướng đi khác cũng được chính quyền và doanh nghiệp chè ở Mộc Châu áp dụng đó là kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái. Hiện, trên địa bàn đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với cây chè, như: Làng chè của Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu, khu vực đồi chè trái tim, đồi chè vân tay, vùng nguyên liệu chất lượng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái của DNTN Mộc Sương…

Với việc du khách ngày càng tìm đến với các đồi chè, nhà máy chế biến chè để tham quan sẽ là cơ hội để quảng bá các sản phẩm cũng như thương hiệu chè Mộc Châu đến với người tiêu dùng, từ đó góp phần mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người làm chè, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Cách thị trấn nơi này 10 km theo hướng đi quốc lộ 43, đồi chè trái tim là điểm đến thu hút đông đảo du khách khi đến với mảnh đất này. Vào vụ thu hoạch, du khách đến đây không chỉ tham quan, chụp hình mà còn được trải nghiệm tự tay hái những búp chè tươi xanh nhờ sự chỉ dẫn của những công nhân, người trồng chè nơi đây.

Để phát triển ngành chè gắn với du lịch bền vững, hiện nay các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh đang chú trọng áp dụng giải pháp công nghệ sạch, an toàn trong sản xuất chè; tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các ngày hội, lễ hội để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường cũng như thu hút du khách.

Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển hình thức du lịch đồng chè, tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên, người lao động và khách du lịch không xả rác thải ra các đồng chè gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của cao nguyên Mộc Châu.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.