Chè ống lam là một trong những đặc sản độc đáo của vùng Đông - Tây Bắc Việt Nam. Loại chè này được làm từ phương pháp gác bếp cổ truyền của đồng bào người Dao. Chè ống lam hiểu đơn giản là sản phẩm chè được bảo quản trong ống cây nứa, vầu tươi, trúc để giữ được chè lâu hơn. Vừa giúp chè không bị hỏng, còn làm cho vị trà được nâng tầm khi có chất nhựa từ cây nứa tươi tiết ra qua các công đoạn chế biến.
Chỉ duy nhất những cây chè hàng nghìn năm tuổi trên vùng đất của người Dao mới đem đến thức uống có một không hai này. Vì thế chè không chỉ quý bởi số lượng ít mà còn được trân trọng bởi hương vị đánh thức mọi giác quan, đem người ta trở về với thiên nhiên, sống giữa núi rừng Tây Bắc mênh mông, thư thái.
Điều quan trọng nhất quyết định hương vị chè ống lam chính là khâu chế biến, từ công đoạn chọn ống nứa, nguyên liệu chè và nhất là quá trình sấy chè qua lửa vừa cầu kỳ vừa đậm chất riêng có của người vùng cao; giúp tạo ra sản phẩm chè thượng hạng mà ít lối chế biến nào có được.
Chè được hái về sao chế ngay, sau khi được nhồi vào ống nứa sẽ hơ qua lửa cho đến khi ống nứa bắt lửa đều mà không bị cháy vỏ ngoài, những búp chè lèn chặt bên trong hút lấy nhựa cây bắt đầu lên men và tiếp tục lên men sau khi được hơ trên gác bếp cao hơn. Quá trình ủ men của chè ống lam cổ truyền dân tộc Dao được nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là nguồn gốc của trà Phổ Nhĩ nổi danh ngày nay.
Đặc biệt, chè Shan tuyết Hà Giang được sử dụng để làm chè ống lam vốn đã có hương cốm và vị ngọt hậu trời ban. Khi được nhồi vào ống lam tươi làm nóng qua hơi lửa cùng quá trình lên men tự nhiên đã giúp giữ được vị và trở thành sản phẩm riêng biệt trong các phương thức chế biến. Chè ống lam khi pha được nước hơn trà thường, hương khói bếp quyện với hương cốm nứa gói gọn tinh túy của những búp Shan tuyết thượng hạng trong ống lam. Việc vận chuyển và bảo quản chè ống lam đơn giản hơn các loại chè thông thường. Với phong trào sản xuất sạch, bảo vệ thiên nhiên và hạn chế sử dụng túi nhựa, thì việc bảo quản mà vẫn giữ được hương vị như chè ống lam là một lựa chọn hợp lý.
Ngày nay, sản xuất chè ống lam vẫn được bà con các vùng chè Thượng Sơn, Cao Bồ (Vị Xuyên); Phương Độ, Phương Thiện (thành phố Hà Giang) duy trì và phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Lưu truyền trong dân gian và tưởng như bị thất truyền vì sự xuất hiện của các phương thức chế biến, bảo quản chè mới hiện đại hơn; nhưng chè ống lam vẫn đang được nhiều người làm chè phát triển và quảng bá ra trị trường, góp phần tạo ra sự đa dạng về sản phẩm, giúp chè Shan tuyết Hà Giang vươn xa.
Cách pha trà ống lam gác bếp ngon
– Để pha được một ấm trà ngon, đầu tiên lấy 1 lượng vừa đủ để pha 1 ấm trà. Sau đó rót nước đun sôi vào từ từ. Khâu đầu tiên quan trọng nhất phải làm cánh chè nở dậy hương và loại bỏ các bụi bặm còn bám lại sau công đoạn chế biến. Sau đó, chế nước ở nhiệt độ khoảng 90 độ C vào ấm rồi hãm chè trong khoảng 30-45 giây. Khi chè chín rót toàn bộ chè trong ấm ra chuyên trà và đảo đều chè, rồi mới lần lượt rót ra các chén để thưởng thức. Chè có thể pha đến 7 lần nước liên tục mà vị chè vẫn còn đượm mùi thơm.
– Khi pha, nước chè có màu chỉ phơn phớt vàng như mật ong, nước chè sánh. Trên bề mặt có vương một chút “tuyết” trắng của chè. Nhấp một ngụm chè có thể nhận thấy đủ các vị: ngọt, chát, ngậy lưu mãi ở đầu lưỡi. Chờ đến lúc chè đậm hương nồng thì thấy nước vàng sậm hơn, mang hương vị của mật ong rừng. Khi để nguội chè sẽ dần ngả từ màu xanh sang màu vàng mật.
– Trà Shan tuyết uống có rất nhiều tác dụng tốt như giúp cơ thể lại chống ôxy hóa. Giúp mọi người tỉnh táo, sảng khoái, tiêu hóa tốt sau ăn…
Bảo An (t.h)