Tham dự Tọa đàm có các đại biểu: Ông Cao Minh Kiểm - Tổng thư ký Hội TT KHCN Việt Nam; ông Phạm Đức Thái - Phó TBT Báo Đảng cộng sản Việt Nam; bà Đậu Hằng Nga - Chủ tịch Mạng lưới doanh nhân sáng tạo Việt Nam - Asean; bà Sỏn Chăn Phút Cha Von - Tham tán Kinh tế và Thương mại Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Văn Luật - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Quốc Hội; Tiến sĩ Phạm Chí Trung - Ủy ban Khoa học và công nghệ môi trường Quốc Hội; ông Phạm Đức Nghiêm - Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp - Bộ KHCN; Tiến sĩ Đỗ Ngọc Văn - Viện trưởng nghiên cứu các vấn đề xã hội; ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ NN&PT Nông thôn; ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường - Bộ NN&PT Nông thôn; bà Nguyễn Thị Ngà - Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên; Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam; ông Kiều Phúc Qúy - Trưởng ban Quản trị cộng đồng Yêu Trà Việt...
Chương trình mang đến một điểm khác biệt rõ rệt so với các chương trình vinh danh ngành chè trước đây. Không chỉ là một sự kiện vinh danh mà còn là một hành trình khám phá văn hóa trà từ khắp các vùng miền của Việt Nam, với những nét văn hóa chè độc đáo.
Đó cũng là lý do để Hiệp hội Chè Việt Nam cùng với Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội tổ chức chương trình Vinh danh Doanh nhân và Doanh nghiệp ngành chè năm 2024, cùng với sự thực hiện của Cộng đồng Yêu trà Việt và Mạng lưới phát triển doanh nhân văn hóa sáng tạo Việt Nam. Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêu thụ sản phẩm chè nội địa, khuyến khích người dân thưởng thức trà Việt.
Trước đó, Cộng đồng Yêu Trà Việt đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa, kết nối từ gốc đến ngọn, từ người trồng trà đến người thưởng trà, tạo nên một mạng lưới vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành trà Việt Nam.
Đặc biệt, chương trình còn có tọa đàm "Hành trình Chè Việt" với những diễn giả uy tín của các Bộ, ngành, đưa ra những thực trạng và giải pháp cho ngành chè Việt Nam, cũng như những cơ hội và thách thức trong việc xuất khẩu chè sang thị trường quốc tế.
Đây cũng là dịp để các chuyên gia và khách mời cùng nhau thảo luận và chia sẻ những ý tưởng mới nhằm phát triển bền vững cho ngành chè.
Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: Hiệp hội có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ chè, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển thương hiệu.
Chương trình "Chè Việt - Di sản và Tương lai" không chỉ nhằm vinh danh những đóng góp của các doanh nhân trong ngành trà mà còn hướng tới việc nâng cao nhận thức về giá trị của trà trong đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam.
Chương trình mong muốn khuyến khích mọi người thưởng thức và yêu thích sản phẩm chè Việt, từ những tách trà trong gia đình đến những sản phẩm tinh tế trong các nhà hàng và quán trà. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau khám phá và gìn giữ những giá trị văn hóa trà độc đáo của dân tộc, đồng thời phát triển ngành chè theo hướng bền vững và hiện đại.
Ông Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội - cơ quan chủ quản của Mạng lưới phát triển doanh nhân văn hóa sáng tạo Việt Nam - Asean chia sẻ, hiện nay chè Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng giá xuất khẩu bình quân chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè và đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu chè.
Mặc dù với sản lượng và số lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu được của mặt hàng này chưa cao, tính cạnh tranh của mặt hàng còn thấp, giá cả sản phẩm không ổn định trên thị trường quốc tế và vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường chính.
Anh Kiều Minh Quý - đại diện Cộng đồng Yêu trà Việt cho biết: Cộng đồng Yêu Trà Việt không ngừng nỗ lực đưa văn hóa trà đến gần hơn với công chúng thông qua các hoạt động tại các không gian trà quán, các sự kiện trà trên khắp cả nước.
Từ những buổi thưởng trà, tọa đàm, chia sẻ kiến thức đến những lớp học pha trà, hướng dẫn cách thưởng thức trà đúng điệu, cộng đồng đã thổi hồn vào từng tách trà, khơi dậy niềm đam mê và tình yêu trà. Những hoạt động này không chỉ giới thiệu về các loại trà, cách pha trà, mà còn truyền tải những giá trị văn hóa, tinh thần ẩn chứa trong mỗi ấm trà.
Tại chương trình, Ban Tổ chức đã vinh danh các doanh nhân, doanh nghiệp có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của ngành chè Việt Nam. Đây là những ghi nhận và tôn vinh đóng góp to lớn của doanh nhân, doanh nghiệp cho sự phát triển của ngành chè Việt Nam. Qua đó, gìn giữ những giá trị văn hóa chè độc đáo của dân tộc; đồng thời phát triển ngành chè theo hướng bền vững và hiện đại.
Các doanh nghiệp, cá nhân được vinh danh đều đáp ứng các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn chất lượng; uy tín thương hiệu, được người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá cao; đóng góp cho cộng đồng, có nhiều hoạt động trách nhiệm xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển sản phẩm mới, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè; có chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Các Đại biểu và khách mời tham dự buổi tọa đàm chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Phi Long.
Một số sản phẩm trà được trưng bày giới thiệu. Ảnh: Phi Long.
Các đại biểu thưởng trà tại không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm trà. Ảnh: Phi Long.
PHI LONG