Sự kiện đã thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều tổ chức quốc tế, khu vực, ngoại giao đoàn, đại diện Bộ, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp Việt Nam, quốc tế... thể hiện sự quan tâm và nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp cũng như quyết tâm của các Bộ, ban, ngành và địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nói chung và thực phẩm Halal nói riêng, trên phạm vi toàn cầu.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn và đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông - châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ.
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng tiêu biểu như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… Hơn nữa, Việt Nam có những lợi thế quan trọng, nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.
Thế giới có gần 2 tỷ người Hồi giáo với mức chi tiêu cho thực phẩm Halal dự báo là 1.400 tỷ USD vào năm 2020; dự báo sẽ tăng hơn 10 lần lên tới 15.000 tỷ USD vào năm 2050. “Đây là cơ hội lớn cho các nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm và các chế phẩm từ nông nghiệp như Việt Nam” Thứ trưởng Thường trực nhấn mạnh.
Đến thăm quan và thưởng trà tại gian hàng của Chi hội sản xuất và thương mại Sản vật Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn đã động viên và chúc mừng các doanh nghiệp thuộc Chi hội đã nỗ lực không ngừng để đủ tiêu chuẩn được cấp chứng nhận Halal, mang sản vật Tây Nguyên nói riêng và sản phẩm Việt Nam nói chung ra với bạn bè thế giới.
Ông Thân Văn Sửu, Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp sản xuất thương mại sản vật Tây Nguyên chia sẻ: Tham dự diễn đàn lần này, chúng tôi tự hào mang đến những sản phẩm sản vật Tây Nguyên đều được công nhận từ 3 sao trở lên, các sản phẩm đăng ký dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020; các sản phẩm đặc sản vùng miền tham gia Chương trình OCOP của các địa phương. Sản phẩm tham gia hội chợ có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bao bì, nhãn mác, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Tôi mong muốn lan toả giá trị của văn hoá, sản vật Tây Nguyên, lan toả tình đồng bào của những người con núi rừng, những người con Lâm Đồng, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tới khách hàng trong nước và quốc tế.
Thực tế thì sản vật của Tây Nguyên đã tham gia Halal được hơn 10 năm. Vì vậy diễn đàn này có ý nghĩa quan trọng, giúp thúc đẩy các doanh nghiệp, cộng đồng chia sẻ những kinh nghiệm trong việc áp dụng tiêu chuẩn Halal cho doanh nghiệp Việt Nam và những kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề quản lý thẩm định cấp chứng chỉ Halal trong thời gian qua cho thấy rằng cần phải hoàn thiện lĩnh vực này một cách hệ thống và theo chuỗi để nâng cao hình ảnh chất lượng sản phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiệm ngặt mà thị trường yêu cầu. Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp sản xuất thương mại sản vật Tây Nguyên nhấn mạnh.
Một số hình ảnh của Chi hội sản xuất và thương mại Sản vật Tây Nguyên tại Diễn đàn:
Theo đánh giá của trung tâm Halal Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu một số sản phẩm Halal nhưng mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu từ các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc cấp chứng nhận Halal và thiếu thống tin về thị trường, văn hóa kinh doanh, tiêu dùng để tham gia sâu vào thị trường Halal, nhất là tại các quốc gia hồi giáo.
Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trước làn sóng mới của Covid-19, Việt Nam rất cần sự hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ của bạn bè quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.
Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đề nghị các đại biểu trao đổi kinh nghiệm, chiến lược trong xây dựng ngành thực phẩm Halal ở các nước để từ đó đề xuất, khuyến nghị các biện pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất thực phẩm Halal trên phạm vi toàn cầu và kết nối doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sản phẩm Halal trên toàn cầu.
Cũng trong phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, ngành nông nghiệp Việt Nam luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp nông lâm và thủy sản Việt Nam cũng nhận thức được nhu cầu nhập khẩu cao của các thị trường Hồi giáo trên thế giới mang lại rất nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa như: lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản…
V.Anh