Chi phí vận tải tăng, xuất khẩu chè gặp khó

Xuất khẩu chè đầu năm 2021 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khó khăn từ Covid-19 cũng như hàng loạt điểm yếu cố hữu, hạn chế trong kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, chi phí vận tải cao… là vấn đề không nhỏ ngành chè Việt phải đối mặt nếu muốn vươn xa hơn trong thời gian tới. 

Trong tháng 1/ 2021, theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết khối lượng xuất khẩu chè tháng 1/2021 ước đạt 10.000 tấn với giá trị đạt 16 triệu USD, tăng 25,8% về khối lượng và tăng 30,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.  

Mặc dù xuất khẩu chè năm 2021 có khởi đầu tương đối suôn sẻ với tăng trưởng mạnh mẽ cả về khối lượng lẫn trị giá, song không ít doanh nghiệp lẫn giới chuyên gia đều cho rằng, chi phí vận tải cũng như ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục là những mối lo ngại đáng kể thời gian tới. 

Đặc biệt, do tình trạng thiếu hụt trầm trọng container rỗng mà những lô hàng nông sản đã xuất đi được trong tháng 1 phải chịu phí vận chuyển rất cao. Tình trạng này kéo dài  khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đội chi phí hoạt động, chậm trễ trong giao hàng... Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, điều và chè cũng phản ánh gặp khó khi cước phí tăng gấp 6 - 7 lần, từ 750 - 800 USD/container lên hơn 4.000 - 5.000 USD/container. 

 Chi phí vận tải tăng, xuất khẩu chè gặp khó  - Ảnh 1

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, theo đánh giá, khoảng 90% sản lượng chè của Việt Nam xuất khẩu ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất chè còn nhiều hạn chế bất cập: Sản xuất nông hộ nhỏ; Nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp; Việc liên kết sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu; Công tác quảng bá thương hiệu của ngành chè chưa tốt... Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn là rào cản lớn để chè Việt Nam tiếp cận được các thị trường xuất khẩu cao cấp, tiềm năng.

Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 5 năm vừa qua, dưới vai trò quản lý nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật đã tham gia vào nhóm đối tác công tư (PPP) của ngành chè.

Cùng với Hiệp hội Chè Việt Nam và 12 công ty, Cục Bảo vệ thực vật đã thành lập những tổ đội chuyên trách vấn đề bảo vệ thực vật. "Việc thành lập những tổ đội sẽ giúp tập huấn cho người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng theo nguyên tắc như: cách kiểm soát dư lượng thuốc, cách nhận biết danh sách những loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên cây chè... Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng sản phẩm chè, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ cho xuất khẩu" - ông Nguyễn Quý Dương nói.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, mục tiêu tổng quát định hướng ngành chè và chương trình hoạt động của PPP chè trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hướng tới chủ yếu là quản lý chặt chẽ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bền vững trong ngành chè Việt Nam; cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng và chất lượng sản phẩm chè Việt Nam thông qua tăng cường hiệu quả hoạt động của nhóm PPP.

Một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để ngành chè có hướng đi bền vững, cần áp dụng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị xuất khẩu, hạn chế những bất cập, từng bước xây dựng thương hiệu chè Việt trên thế giới…

Hồng Anh (t/h)

 

Từ khóa: