Theo đó, chỉ số IIP tháng 11 tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,4%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,6%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,2%, ngành khai khoáng tăng 16%. Tốc độ tăng có xu hướng chậm lại do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.
Tính chung 11 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1%, ngành khai khoáng tăng 6,5%.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cho biết, cả nước có 61 địa phương có chỉ số IIP 11 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm ngoái và 2 địa phương có chỉ số này giảm. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện tăng cao.
Địa phương có chỉ số IIP tăng cao nhất trong 11 tháng đầu năm là Bắc Giang với 36,4%. Theo UBND tỉnh Bắc Giang, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường và giá vật tư đầu vào tăng cao.
Xếp sau về tốc độ tăng IIP 11 tháng đầu năm 2022 là Cần Thơ với chỉ số IIP tăng 31,2%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 37,82%, sản xuất và phân phối điện tăng 12,25%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,96% so với cùng kỳ.
Vĩnh Long là địa phương xếp thứ ba về tốc độ tăng IIP với 27,2%. Trong đó, ngành khai khoáng tăng cao nhất với 85,36%. Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 28,8%, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 11,37%, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 0,98%.
Quảng Nam và Lai Châu xếp thứ tư và thứ năm với tốc độ tăng IIP lần lượt đạt 24,2% và 22,5%. Tại 2 tỉnh này, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí đều có tốc độ tăng IIP cao nhất, Quảng Nam tăng 31,5% và Lai Châu tăng 23,04%.
Ngoài ra, một số tỉnh khác cũng nằm trong top 10 địa phương có chỉ số IIP tăng cao nhất trong 11 tháng đầu năm là Điện Biên, Khánh Hòa, Sơn La, Đắk Lắk và Kiên Giang.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm. Các địa phương có tốc độ tăng IIP thấp nhất là Lạng Sơn, Bình Định, Cà Mau, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Ninh Bình và Bình Thuận.
Hà Tĩnh và Trà Vinh có chỉ số IIP giảm nhiều nhất, cụ thể chỉ số IIP của Hà Tĩnh giảm 16,9% và Trà Vinh giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.