Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện pháp lý về tài sản ảo trong tháng 5/2025

Theo Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ vũ khí vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hoàn thành xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo trong tháng 5-2025.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện pháp lý về tài sản ảo trong tháng 5/2025.  
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện pháp lý về tài sản ảo trong tháng 5/2025.  

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Cụ thể, tại quyết định này, Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với bộ ngành liên quan xây dựng bộ khung pháp lý để quản lý tiền ảo, tài sản ảo vào tháng 5/2025; Đồng thời, chứng minh việc thực thi khung pháp lý gồm: nâng cao hiểu biết của cơ quan quản lý, giám sát hiểu rõ rủi ro của khu vực này.

Đây là nhiệm vụ thuộc hành động 6 trong tổng số 17 chương trình hành động thực hiện cam kết Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Xoay quanh vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, đây là động thái cần thiết, và cần nhanh chóng được hiện thực hóa. Thực tế, ngay từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Bộ Tư pháp được giao chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế; hoàn thành vào năm 2019, tuy nhiên, đến nay, đề án này vẫn chưa được hiện thực hóa.

Hiện nay, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.

Các loại tiền số như như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản ảo phổ biến. Trước đó, Chính phủ từng nhiều lần giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo, nhằm ngăn ngừa rủi ro rửa tiền, hệ thống ngân hàng. Cơ quan quản lý nhiều lần khẳng định tiền ảo không phải là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) thông qua cuối 2022 chưa luật hóa các loại tiền ảo, tài sản ảo.

Song, thực tế mua bán, trao đổi tài sản ảo tại Việt Nam hiện nay được thực hiện qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền, cá nhân tham gia. Do đó, cách đây hai năm, Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có hành lang pháp lý về loại tài sản mới này.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện pháp lý về tài sản ảo trong tháng 5/2025 - Ảnh 1

Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), trong giai đoạn tháng 10/2021 – 10/2022, giá trị tiền ảo Việt Nam nhận về gần 91 tỷ USD, trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Chưa kể hiện nay, nhiều quốc gia đã xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp lý cho tài sản số nói chung, tài sản ảo tiền ảo nói riêng như EU, Nhật Bản, Mỹ, một số nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…

Cũng theo kế hoạch của Chính phủ, các bộ ngành liên quan phải đưa ra kế hoạch cụ thể với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao, như sử dụng tiền mặt, vàng trong nền kinh tế để mua bán bất động sản, tham nhũng.

Kế hoạch hành động trên được Chính phủ đưa ra nhằm sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách rà soát tăng cường (danh sách xám) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) trước tháng 5/2025. Đây là danh sách các nước cần được giám sát chặt chẽ của FATF gồm 20 quốc gia, trong đó có UAE, Syria, Panama, Quần đảo Cayman... về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Theo các chuyên gia, việc thiếu khung pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo khiến các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo bùng nổ, trong khi Nhà nước thất thu thuế. Vì vậy, xây dựng chính sách quản lý về tài sản ảo, tiền ảo là rất cấp thiết, chú trọng vào các vấn đề như: công nhận tài sản ảo, tiền ảo; xây dựng chính sách thuế với tài sản ảo, tiền ảo; ngăn chặn rửa tiền thông qua tiền ảo, tài sản ảo; bảo đảm an toàn thông tin và dữ liệu cá nhân khi giao dịch tài sản ảo, tiền ảo…

Được biết, sau chỉ đạo của Chính phủ, thông tin với báo chí, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý tiền ảo, tài sản ảo.

Đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành. Tuy nhiên, ý kiến góp ý chưa làm rõ phương pháp nghiên cứu, cơ chế tiếp cận để xây dựng khung pháp luật về tiền ảo. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên hệ, trao đổi với một sàn giao dịch tiền ảo lớn trên thế giới có hơn 200 danh mục tiền ảo, tài sản ảo.

Tiến Hoàng