Chọn trà mùa hè: Hiểu rõ thể trạng trước khi uống

Vào mùa hè, uống trà thanh nhiệt trở thành thói quen phổ biến. Tuy nhiên, theo Đông y, không phải ai cũng nên dùng trà mát. Hiểu rõ thể trạng trước khi uống chính là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe một cách an toàn và hiệu quả.

Vào những ngày hè đỉnh điểm, khi nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 35 độ C, không gì dễ chịu hơn một ly trà thảo mộc mát lạnh thứ nước uống được tin là vừa giải khát vừa “hạ hỏa” cho cơ thể. Thế nhưng, theo góc nhìn của Y học cổ truyền, không phải ai cũng nên uống trà thanh nhiệt, và không phải loại trà nào cũng phù hợp với tất cả mọi người trong mùa hè. Chọn trà không đúng với thể trạng, đôi khi lại khiến cơ thể suy yếu, tiêu hóa rối loạn, thậm chí là tổn thương dương khí về lâu dài.

Người thể trạng hàn, giả nhiệt không nên uống trà thanh nhiệt.
Người thể trạng hàn, giả nhiệt không nên uống trà thanh nhiệt.

Không phải cứ nóng là thanh nhiệt

Thói quen giải nhiệt bằng trà mát, trà thảo dược như trà râu ngô, trà atiso, trà diếp cá, trà lá sen... vốn đã ăn sâu vào nếp sống của người Việt mỗi khi hè đến. Tuy nhiên, theo Đông y, khái niệm "nóng trong người" không đơn giản chỉ là cảm giác do thời tiết. Nó có thể xuất phát từ các nguyên nhân rất khác nhau: thật nhiệt, giả nhiệt, hoặc mất cân bằng âm dương trong cơ thể.

Với người thật sự có nhiệt thường biểu hiện bằng miệng khô, rát họng, táo bón, tiểu vàng, nổi mụn, dễ cáu việc dùng các loại trà thanh nhiệt đúng liều lượng sẽ giúp cơ thể hồi phục cân bằng nhanh chóng. Tuy nhiên, với người thuộc thể hàn hoặc đang có hiện tượng "giả nhiệt" nghĩa là bên ngoài cảm thấy nóng nhưng bên trong cơ thể lại thiếu dương khí việc dùng trà có tính hàn sẽ càng khiến cơ thể suy yếu.

Thể trạng hàn: Không nên "mát thêm"

Người thể hàn thường có những biểu hiện như chân tay lạnh, dễ bị cảm lạnh, huyết áp thấp, hay sợ gió và lạnh, ăn đồ mát dễ bị đầy bụng, tiêu chảy, hoặc mệt mỏi kéo dài. Với nhóm người này, cơ thể vốn đã thiếu dương khí nguồn năng lượng cần thiết để vận hành và giữ ấm cho các cơ quan nội tạng. Việc uống thêm trà có tính mát hoặc quá lạnh vào mùa hè không những không giúp giải nhiệt, mà còn khiến cơ thể mất thêm dương khí, dẫn đến các biểu hiện như mệt mỏi, tiêu hóa kém, chán ăn, buồn nôn, hoặc rối loạn tiêu hóa mãn tính.

Một tình huống đặc biệt dễ bị bỏ qua là hiện tượng giả nhiệt người có thể cảm thấy nóng, bốc hỏa, đổ mồ hôi nhiều, nhưng vẫn đi ngoài phân lỏng, ăn lạnh dễ đầy hơi, chân tay thường lạnh. Trong Đông y, đây là tình trạng "âm hư sinh nội nhiệt" tức cơ thể thiếu chất dịch âm, khiến nhiệt không được điều hòa. Những người này nếu tự ý uống trà mát mà không phân biệt thật giả nhiệt rất dễ gây rối loạn chuyển hóa và tổn thương khí huyết.

Trà thanh nhiệt: Không nên uống quá nhiều, quá lâu

Một quan niệm sai lầm phổ biến là "trà thảo mộc thì vô hại". Trên thực tế, hầu hết các loại trà có tác dụng thanh nhiệt đều mang tính hàn, vị đắng nhẹ đến đắng sâu điển hình như rễ cỏ tranh, hoa cúc, kim ngân hoa, atiso... Dùng với liều vừa phải có thể giúp cơ thể điều tiết nhiệt và thải độc nhẹ nhàng. Nhưng nếu lạm dụng, hoặc uống liên tục trong thời gian dài, đặc biệt là khi cơ thể không thật sự có nhiệt, các loại trà này sẽ tác động xấu đến hệ tiêu hóa và làm suy yếu dương khí, nhất là ở người già, trẻ nhỏ, hoặc người có thể trạng yếu.

Trong Đông y, các thầy thuốc luôn thận trọng khi sử dụng dược liệu thanh nhiệt. Trước khi quyết định "hạ nhiệt", họ sẽ đánh giá lượng tà nhiệt trong cơ thể, mức độ chính khí (tức sức đề kháng nội tại), khả năng chuyển hóa của tỳ vị (hệ tiêu hóa), và sự phù hợp với từng bài thuốc. Thậm chí, có những trường hợp phải bồi bổ trước, rồi mới thanh nhiệt sau.

Cách chọn trà phù hợp thể trạng trong mùa hè

Để đảm bảo lợi ích tối đa và hạn chế nguy cơ cho sức khỏe, cần lắng nghe cơ thể mình trước khi chọn trà. Dưới đây là một số gợi ý chọn trà phù hợp với từng thể trạng theo nguyên tắc của Đông y:

Người thể nhiệt (nóng thật): có thể dùng các loại trà thanh nhiệt nhẹ như trà hoa cúc, trà atiso, trà râu ngô, trà cam thảo, nhưng cần tránh uống lạnh hoặc uống vào lúc bụng đói.

Người thể hàn: nên ưu tiên các loại trà ôn ấm, hỗ trợ tiêu hóa và dưỡng dương khí như trà gừng, trà táo đỏ, trà đinh lăng, trà hoài sơn. Tránh hoàn toàn các loại trà có tính hàn như bạc hà, diếp cá, atiso.

Người giả nhiệt: cần thận trọng tuyệt đối với trà thanh nhiệt. Trường hợp nghi ngờ, nên tham vấn chuyên gia Đông y để được chẩn đoán chính xác và chọn bài trà phù hợp.

Trẻ nhỏ và người cao tuổi: chỉ nên dùng các loại trà nhẹ, với liều lượng nhỏ, không uống lạnh và không dùng thay nước lọc.

Những dấu hiệu cảnh báo nên ngừng uống trà thanh nhiệt

Trong quá trình sử dụng trà mùa hè, nếu xuất hiện một hoặc nhiều biểu hiện sau, bạn nên dừng ngay và theo dõi phản ứng cơ thể:

Cảm thấy uể oải, mất sức, buồn ngủ không rõ lý do

Đầy bụng, chán ăn, tiêu chảy hoặc phân nát kéo dài

Cảm thấy lạnh trong người, chân tay lạnh, đặc biệt vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối

Bị cảm lạnh, viêm họng, hoặc tái phát bệnh hô hấp

Đây là những dấu hiệu cơ thể "lên tiếng" rằng bạn đang dùng sai loại trà, sai thời điểm hoặc sai liều lượng.

Mỗi người là một vị thầy thuốc của chính mình

Thời tiết mùa hè khiến chúng ta dễ nghĩ đến giải pháp làm mát nhanh bằng đồ uống lạnh hay trà thanh nhiệt. Nhưng theo y lý Đông phương, cái nóng bên ngoài không hoàn toàn đồng nghĩa với việc cơ thể bên trong cần được làm mát. Sự hiểu biết và lắng nghe thể trạng chính là yếu tố quan trọng nhất giúp bạn chọn được loại trà phù hợp.

Đừng biến thói quen tốt trở thành mối nguy cho sức khỏe chỉ vì chọn sai loại trà. Thay vì chạy theo xu hướng uống gì "mát nhất", hãy đặt câu hỏi: cơ thể mình có thực sự cần thanh nhiệt không? Bởi trong thế giới đầy biến động của thảo dược và trà thảo mộc, điều quan trọng không phải là cái gì tốt mà là cái gì tốt cho bạn.

Tâm Ngọc

Từ khóa:
#h