Tại Điều 16 khoản 7 điểm a quy định tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định người bị xử phạt có thời hạn nhất định để xin cấp bổ sung giấy phép xây dựng, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, quá thời hạn cho phép mà người vi phạm vẫn không có giấy phép xây dựng phù hợp thì phải tháo dỡ phần công trình vi phạm. Việc xin cấp bổ sung giấy phép xây dựng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ phần công trình vi phạm kể từ thời điểm bị lập biên bản, cụ thể:
Cấp chính quyền lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu người vi phạm dừng thi công công trình để xin cấp giấy phép; đồng thời người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định;
Chủ công trình bị xử phạt có thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt để hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng tại cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp huyện, TP/hoặc Sở Xây dựng);
Hết thời hạn, người vi phạm không xuất trình được giấy phép xây dựng thì cơ quan xử phạt ban hành thông báo yêu cầu tự tháo dỡ công trình nhà ở vi phạm; tiếp đó người vi phạm có thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày gửi văn bản thông báo (theo dấu bưu điện) hoặc ngày bàn giao thông báo theo biên bản để tự tháo dỡ;
Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày phải tự tháo dỡ, người vi phạm xuất trình được giấy phép xây dựng thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra công trình, lập biên bản ghi nhận hiện trạng theo giấy phép được cấp;
Công trình được tiếp tục xây dựng nếu hiện trạng phù hợp với giấy phép và phải tháo dỡ phần công trình vi phạm đó, kể từ ngày lập biên bản ghi nhận hiện trạng/biên bản lập ngày kiểm tra;
Kết luận nếu xây dựng nhà ở không có giấy phép và trong thời hạn xử phạt thì vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính mặc dù có thời hạn để xin cấp giấy phép bổ sung; quá thời hạn, kể từ ngày có quyết định xử phạt mà chủ công trình không xuất trình được giấy phép xây dựng phù hợp với hiện trạng công trình thì phải tháo dỡ phần công trình vi phạm./.
Bùi Quốc Dũng