Sáng ngày 9-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp. Đây được đánh giá là "Hội nghị Diên Hồng" trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch Covid-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Nhờ vậy, khoảng 800.000 DN trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi hội nghị.
Tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của DN, hiệp hội; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của DN đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ DN.
Doanh nghiệp cần miễn giảm nhiều loại thuế
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, cuối tháng 4 đầu tháng 5, VCCI tiến hành một cuộc khảo sát về thực trạng của cộng đồng DN, thì có tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý 3; 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng DN mà VCCI công bố 1 tháng trước đây.
Một lần nữa, sức sống, kiên cường, khả năng chống chịu của các DN Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy. Nhiều DN, dù lợi nhuận không còn, thậm chí thua lỗ, doanh thu sụt giảm, nhưng các doanh nhân vẫn cố gắng tới mức cao nhất chăm lo cho người lao động, tỷ lệ việc làm vẫn duy trì ở mức rất cao, cho thấy tình cảm và trách nhiệm xã hội của các DN, doanh nhân – những cỗ máy tạo việc làm của nền kinh tế - những người dám đánh đổi sự bình yên của cá nhân và gia đình mình để làm giàu đất nước và lo sinh kế cho dân.
Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Đảng và Nhà nước biểu dương, khen thưởng các tấm gương DN, doanh nhân đã dũng cảm, kiên cường vượt qua đại dịch.
Chủ tịch VCCI cho rằng, tình hình DN đã được cải thiện, nhưng vẫn còn rất gian nan và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, Chính phủ đã dành các gói tài khoá, tín dụng, với quy mô chưa từng có, để hỗ trợ DN, thể hiện tinh thần sẻ chia, đồng hành cùng DN.
Cộng đồng DN đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của DN; nới room - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay...
“Nhưng điều quan trọng nhất, DN kiến nghị là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì DN sống, chậm một ngày DN có thể sẽ không còn, thì lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ chẳng có ích gì”, ông Vũ Tiến Lộc phát biểu.
Về lâu dài, Chủ tịch VCCI cho rằng đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất. Quốc hội, Chính phủ đã quyết định mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3 – nhóm 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN. Chính phủ cần kiên định thực hiện mục tiêu này và coi đó là thước đo đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương...
“Biết nhà nước khó khăn, DN không xin tiền, chỉ xin cơ chế. Chính sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp cứu cánh bền vững cho DN”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, chỉ riêng khoản đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng đã có trong kế hoạch với số “tiền tươi, thóc thật” đang nằm ở “trong túi” của các bộ ngành và địa phương đã là trên 30 tỷ đô la Mỹ. Nếu tháo gỡ được thủ tục, giải ngân nhanh được trong năm nay thì ta đã có thể tạo ra một cú hích quan trọng cho nền kinh tế. Phát huy vai trò của thể chế, bảo đảm huy động được tổng lực các nguồn vốn xã hội theo cách này thì không khó để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay.
Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ giao các bộ ngành phối hợp với VCCI, các địa phương và cộng đồng DN triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ họ tìm đến với mình.
Đề nghị Chính phủ xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng DN, giúp các DN đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp triển khai thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm. Nhà nước kiến tạo song hành với cộng đồng DN sáng tạo và có trách nhiệm xã hội sẽ là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam có thể bay lên.
Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất của các DN Việt Nam vào thời điểm này vẫn là khó khăn về thị trường tiêu thụ. VCCI đề nghị phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam, để tiếp sức cho DN Việt.
Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác khai mở mặt trận phục hồi nền kinh tế, Thủ tướng giữ vai trò Tổng tư lệnh - Trưởng ban chỉ đạo; thành lập ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND đứng đầu để nối dài cánh tay giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, tái khởi động và phục hồi kinh tế thành công.
Giải pháp cần thiết trong việc hỗ trợ doanh nghiệp
Đóng góp ý kiến trong việc tạo điều kiện, và đưa ra giải pháp cho các doanh nghiệp trong nước. Thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ,ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hiệp hội gửi lời cảm ơn tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giúp toàn quân, toàn dân nhiệt liệt hưởng ứng và tự nguyện chấp hành mọi chủ trương hướng dẫn. Từ đó, tiết kiệm được nhiều nghìn tỷ đồng cho các dịch vụ về y tế, chi phí công tác phòng chống dịch…
“Chúng tôi đánh giá rất cao sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của chính phủ với doanh nghiệp và người lao động. Dưới sự tham mưu chủ động, sang tạo của các bộ ngành đặc biệt là VP chính phủ. Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách như chỉ thị 11, nghị quyết 42, và quyết định 15. Từ đó làm cơ sở ra đời nhiều gói hỗ trợ, an sinh xã hội, tài khóa, điện tử viễn thông. Đặc biệt đối với ngành ngân hang, toàn hệ thống đã nhất quán chủ trương thắt lưng buộc bụng để hạ lãi suất, cơ cấu lợi nhuận, nhóm nợ gia hạn thời gian trả nợ thậm chí hoãn phân chia lợi nhuận, lợi tức để hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số 600k tỉ”. Ông Thân bày tỏ.
Song bên cạnh đó, nhu cầu về nguồn vốn và ngân sách cho doanh nghiệp, an sinh xã hội còn rất lớn. do đó hiệp hội DNNVV Việt nam đề xuất thêm một số giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển.
Hiện nay, rải rác trên toàn quốc có 28 quỹ bảo lãnh tín dụng với tổng nguồn vốn là 1.450 tỷ đồng. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đây đang là con số trái ngược so với nhu cầu thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp. Hiệp hội đề xuất với Chính phủ nhanh chóng tang cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ trên, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh cho vay.
Tiếp đến, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đã đạt, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được coi là nỗ lực và quyết tâm lớn của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Để có thể thực hiện giải ngân nhanh chóng vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng. Chính phủ cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án.
Đối với thị trường nội địa, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các dịch vụ liên quan tới ngành du lịch, giải trí, ăn uống cần nhanh chóng được đẩy mạnh, mở rộng tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động vào ban đêm từ đó kích cầu cho mô hìnhkhai thác “kinh tế ban đêm” trên toàn quốc.
Tại hội nghị, ông Thân cũng nêu ý kiến trong việc cân nhắc giãn, giảm thuế VAT đến hết năm 2020, miễn trừ thuế thu nhập cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020
Đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực “nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn” trong dân và doanh nghiệp. “Chính phủ nên thông qua hình thức phát hành trái phiếu nhiều hơn, liên quan tới các dự án đầu tư công để huy động ngoại tệ và các tài sản như vàng bạc, đá quý…”, Lãnh đạo Hiệp hội DNNVV đề xuất.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu, các tổng công ty, tập đoàn lớn của các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang có xu hướng dịch chuyển “nóng” qua các quốc gia khác. Việt Nam là một nước có nền kinh tế phát triển mạnh, nền chính trị vững vàng, trật tự an toàn xã hội ổn định và có tỷ lệ dân số “vàng” đầy hấp dẫn. Do đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu, vượt trội để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, cũng để tránh việc trục lợi trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang gồng mình lên để chống chọi với đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả sau dịch, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên quan nghiêm khắc xử lý tất cả các hành vi vi phạm nhằm lợi dụng chính sách.
Huy Đức