Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu chuối của Nhật Bản từ Việt Nam đạt 7,9 nghìn tấn, trị giá 1,05 tỷ Yên (tương đương 7,1 triệu USD), tăng 62% về lượng và tăng 80,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu chuối từ Việt Nam chỉ chiếm 1,3% tổng lượng chuối nhập khẩu của Nhật Bản. Do đó, vẫn còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) chuối mở rộng thị phần tại Nhật Bản.
Theo ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) ở Bình Dương, hiện mỗi tuần, DN này xuất khẩu 10 container chuối, 1 container dưa lưới sang Nhật Bản. Chuối là sản phẩm thị trường thế giới ưa chuộng số 1, nhất là tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo ông Liêm, nhu cầu tiêu thụ chuối trên thị trường thế giới ngày càng tăng, nếu DN làm tốt thị trường, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, đầu tư cho sản xuất theo tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nhập thì chắc chắn chuối Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh và bán được cho nhiều thị trường khác nhau, cơ hội cho XK chuối là rất lớn.
Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, hiện tại, nhiều hệ thống tiêu thụ tại Nhật Bản mong muốn nhập khẩu chuối từ Việt Nam thay thế chuối Philippines bởi người tiêu dùng Nhật Bản cho rằng, chuối Việt Nam thơm ngon.
Để khai thác tốt thị trường Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ DN xây dựng các chuỗi cung ứng lạnh như hệ thống kho, logistic để bảo quản và vận chuyển các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ DN trong việc tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại sang nước ngoài tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế theo các chuyên ngành.
Cùng với đó, DN cũng cần đảm bảo chất lượng sản phẩm; đảm bảo sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng vì thị trường Nhật có tiêu chuẩn cao, khó vào nhưng nếu đã vào được thì sẽ ổn định và lâu dài. Đặc biệt, Thương vụ lưu ý, các DN XK của Việt Nam khi kinh doanh với đối tác Nhật Bản không nên chỉ dừng ở việc "mua đứt - bán đoạn", mà còn nên tiếp tục theo dõi, kiểm soát xem sản phẩm của mình được thị trường đón nhận như thế nào, khách hàng phản hồi ra sao, nhằm tránh những rủi ro không đáng có (ví dụ như sản phẩm thực phẩm Việt gần hết hạn sử dụng nhưng vẫn được nhà nhập khẩu bán tại thị trường Nhật.., gây ra ấn tượng không tốt với người tiêu dùng...), từ đó đảm bảo được uy tín thương hiệu sản phẩm của mình.
Với những nỗ lực của cả Chính phủ, DN và người nông dân, chuối Việt Nam đang dần chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường Nhật Bản. Đây là một tín hiệu tích cực cho ngành xuất khẩu chuối Việt Nam trong thời gian tới.
Bảo An