Ở Việt Nam, so với với các ngành công nghiệp, dịch vụ, thì tỷ trọng nông nghiệp trong GDP ngày càng giảm, nhưng nông nghiệp lại có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là giải pháp then chốt cho phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam một cách bền vững, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Chuyển đổi số giúp ngành nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp giúp việc phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây, từ đó, người sản xuất sẽ đưa ra những quyết định phù hợp (bón phân, tưới nước, phun thuốc, thu hoạch,…), nhờ đó, giảm được chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai, bảo vệ được sự đa dạng sinh học.
Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp đã giảm được 1/2 chi phí và công lao động, giảm 50% khí thải nhà kính, tăng năng suất lên 30%, nhờ đó, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số giúp người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số về chất lượng nông sản và yên tâm sử dụng.
Những ứng dụng công nghệ số giúp tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, giúp tăng năng suất lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Hiện nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình thay đổi mô hình sản xuất lấy công nghệ làm nền tảng, ứng dụng công nghệ vào tất cả các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa các nguyên liệu, phế, phụ phẩm, tái chế chúng thành các sản phẩm, tạo thành cơ chế tuần hoàn trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, tạo nên mô hình KTTH và sự phát triển bền vững trong tương lai.
Muốn có nền KTTH thì phải đạt được sản xuất tuần hoàn, mà muốn có sản xuất tuần hoàn thì phải chuyển đổi số. Do đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra nông nghiệp công nghệ cao và chính nông nghiệp công nghệ cao phải trở thành mô hình nông nghiệp đa chức năng để có nông nghiệp tuần hoàn. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một dạng thức của sản xuất nông nghiệp bền vững, nên việc gắn kết với KTTH có thể mang đến những triển vọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính, giảm nguyên vật liệu đầu vào; bảo tồn, tái tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao hiệu quả cạnh tranh; tạo các thị trường mới; tạo việc làm; và gia tăng giá trị xã hội.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp không phải là điều gì đó xa xôi, khó khăn mà ai cũng có thể tiếp cận được, thực hiện được. Những nội dung số hóa nông nghiệp của cuốn sách vừa là vinh dự, vừa là động lực để ngành nông nghiệp tiếp tục lan tỏa những giá trị số đến từng thửa ruộng, bờ ao, mảnh vườn, với các cơ quan quản lý chuyên ngành, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân.
Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã làm việc với nhiều bộ, ngành về vấn đề chuyển đổi số nông nghiệp như Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ KH&CN, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương và bà con nông dân.
Cụ thể, với Bộ TT&TT là về quan điểm tiếp cận, giải mã những khái niệm chuyên ngành, phân biệt giữa công nghệ thông tin với chuyển đổi số, những giải pháp căn bản và cụ thể cho chuyển đổi số ngành nông nghiệp...
Với Bộ Công an là về tích hợp dữ liệu công dân - cư dân nông thôn, người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng hiệu quả dữ liệu dân cư, hay đáp ứng các yêu cầu quản lý chặt chẽ, nghiêm minh trong lĩnh vực thủy sản về tàu cá, thuyền viên...
Với Bộ KH&CN là ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp như công nghệ viễn thám, cổng truy xuất nguồn gốc nông sản trên nền tảng số, nhận diện, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc trong chính sách hợp tác phát triển nghiên cứu, ứng dụng...
Các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp là giới thiệu, trao đổi về các yêu cầu, quy chuẩn mới liên quan đến chuyển đổi số gắn bó mật thiết với chuyển đổi xanh.
Các địa phương, là tổng hợp nhu cầu, thí điểm các cách làm hay, mô hình hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng về quy mô, cấp độ và điều kiện thực tế.
Còn với hợp tác xã, bà con nông dân, là các giải pháp đa dạng, đa kênh, đa tương tác về "tri thức hóa nông dân"; là giới thiệu các nền tảng số, các kênh thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội, kết nối tiêu thụ nông sản: "đưa chợ về vườn", đưa thị trường về đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, việc chuyển đổi số, số hóa trong nông nghiệp giúp giải quyết vấn đề ly nông, ly hương. Khi đó, người dân có thể không làm nông nghiệp nữa, nhưng trên mảnh đất quê hương, họ vẫn có những cách thức mới, công cụ mới để làm giàu, để thoát nghèo. Nhờ vào sức mạnh của công nghệ, người dân đã không còn cần di chuyển về các thành phố lớn nữa mà vẫn tìm ra con đường riêng cho mình. Phát triển dựa trên công nghệ là hướng phát triển bền vững, phát triển xanh tại Việt Nam.
Tiến Hoàng