Chuyên gia hiến kế giúp ngành nông nghiệp vượt khó sau dịch

Có thể nói, chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn thác thức như hiện nay. Việc giá mặt hàng thực phẩm này tăng cao không chỉ gây khó khăn cho người dân mà còn ảnh hưởng tới kết quả kiềm chế lạm phát của nước ta năm 2020.

Nhiều giải pháp quyết liệt

Đánh giá nguyên nhân giá thịt lợn tăng cao, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh ảnh hưởng dịch Covid-19, nguyên nhân trực tiếp khiến giá tăng là do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ NN&PTNT cả nước đã có gần 6 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy, tương đương sản lượng 9,6%. Sau khi dịch bệnh qua giai đoạn cao điểm (tháng 5, 6, 7/2019), Bộ NN&PTNT đã quyết liệt chỉ đạo triển khai công tác tái đàn, tăng đàn lợn.

Được biết, tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu trên 5.000 con lợn cụ kỵ, ông bà. Dự kiến, trong năm 2020, Việt Nam sẽ nhập tổng cộng 10.000 con lợn ông bà, cụ kỵ để phục vụ công tác phục hồi đàn lợn trong nước.

Chuyên gia hiến kế giúp ngành nông nghiệp vượt khó sau dịch - Ảnh 1

Cùng với lợn ông bà, cụ kỵ, Bộ NN&PTNT cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khoảng 6.000 con lợn bố mẹ; dự kiến sẽ tiếp tục nhập 400.000 con, bảo đảm đủ giống để người chăn nuôi tái đàn lợn cho cả giai đoạn 2021 - 2024.

Kết quả khôi phục đàn lợn theo thống kê của các địa phương là rất tích cực. Đến nay, tổng đàn lợn cả nước đã đạt gần 25 triệu con, tương đương gần 81% tổng đàn lợn trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Sản lượng thịt lợn từ đầu năm 2020 cũng đạt hơn 1,7 triệu tấn, bằng 92% so với cùng kỳ.

Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi lợn đạt bình quân 5,78%/tháng. Riêng 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện đạt mức tăng trưởng lên tới 68,35%. Cùng với đẩy mạnh tái đàn, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương để nhập khẩu trên 70.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019.

Vực dậy vượt qua khó khăn

Để vực dậy ngành chăn nuôi từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng cần tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi.

Không chỉ vậy, nhà nước cần hướng dẫn các địa phương, người chăn nuôi khuyến khích mở rộng quy mô đàn gia súc ăn cỏ theo cả hướng thịt và sữa. Khuyến khích chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp sang trồng thâm canh cỏ, ngô sinh khối và chế biến nâng cao giá trị dinh dưỡng nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng rằng chúng ta cần triển khai mạnh công tác kiểm soát chất lượng con giống, sản phẩm giống trong sản xuất, khuyến khích giải pháp cải tạo nâng cao tầm vóc đàn gia súc ăn cỏ trong sản xuất băng biện pháp thụ tinh nhân tạo và đảo đực giống ở những vùng chưa có điều kiện thụ tinh nhân tạo.

Đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước. Hướng dẫn doanh nghiệp và người dân các điều kiện để tái đàn lợn, khả năng kiểm soát dịch bệnh, thị trường, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ sản xuất con giống và tín dụng để người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục chăn nuôi lợn.

Đối với ngành nuôi trồng thủy sản, nên tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Hướng dẫn, chỉ đạo công tác mùa vụ thả giống tôm nước lợ năm 2020; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020.

Tập trung đăng ký cấp giấy xác nhận (mã số) cơ sở nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), cá tra, nuôi lồng bè; công tác kiểm tra, cấp duy trì chứng nhận đủ điều kiện đối với các cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Theo Bộ NN&PTNT, để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cần thống nhất thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng trên cơ sở tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả.

Về mảng trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa, diện tích gieo trồng, cơ cấu giống hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của các điều kiện thời tiết khí hậu để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đối với rau màu, do thời gian sinh trưởng ngắn, Bộ sẽ điều chỉnh diện tích, cơ cấu về chủng loại rau để phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu.

Chuyên gia hiến kế giúp ngành nông nghiệp vượt khó sau dịch - Ảnh 2

Cùng với đó sẽ rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có tín hiệu thị trường thuận lợi. Tập trung rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây ăn quả chất lượng, phù hợp, có thị trường bằng trồng mới, trồng tái canh, ghép cải tạo giống, theo hướng khai thác, phát huy tốt lợi thế điều kiện tự nhiên của địa phương, rải vụ thu hoạch để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu quả tươi cũng như đảm bảo nguyên liệu cho chế biến.

Đối với các tỉnh phía Nam, tập trung và định hướng rải vụ 5 cây (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn) và các cây trồng khác có điều kiện phù hợp. Các tỉnh phía Bắc tập trung bố trí cơ cấu giống rải vụ thu hoạch với cây vải, nhãn, chuối, cam, bưởi, xoài, bơ...

Đối với một số cây ăn quả phát triển nóng trong thời gian qua, có nguy cơ rủi ro giá cả, tiêu thụ (cây có múi cam, bưởi...) tăng cường khuyến cáo nông dân không gia tăng diện tích khi chưa có hợp đồng, đầu ra và tín hiệu tích cực từ thị trường.

Phát triển các giống cây ăn quả đặc sản có lợi thế tại các địa phương, vùng; ưu tiên công tác bình tuyển, phục tráng các giống bản địa, đặc sản địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây ăn quả mới, có năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường.

Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ; nâng cao công suất chế biến, bảo quản trái cây; đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu: quả đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc, đông lạnh; chú trọng các loại sản phẩm đông lạnh, nước quả cô đặc…; đầu tư, khuyến khích đầu tư các cơ sở xử lý sau thu hoạch (chiếu xạ, xông hơi nước nóng...) đảm bảo yêu cầu xuất khẩu trái cây tươi.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị đối với các cây trồng chủ lực từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; tập trung xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, tăng tỷ trọng tiêu thụ qua hợp đồng theo chuỗi giá trị lên khoảng 30 - 35% vào năm 2020.

Về chăn nuôi gia cầm sẽ chỉ đạo điều chỉnh giảm mức tăng trưởng về đầu con và sản lượng gia cầm, cụ thể thịt gia cầm các loại từ 16,5% xuống dưới 10%, trứng từ 14% xuống 9-10% và đặc biệt là điều chỉnh chu kỳ sản phẩm giảm cao điểm vào các tháng mùa nóng (tháng 5-8) tránh dư thừa gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Duy Lê

Từ khóa: