Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu chè sang thị trường Mỹ trong thời đại dịch Covid-19

Trong các thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam, thị trường Mỹ rất đáng chú ý và chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển cần được khai phá.

Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 7 cho Mỹ

Vượt qua cả Trung Quốc và Campuchia, Mỹ đã trở thành bạn hàng lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt trong 10 tháng năm 2021. Bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Mỹ vẫn không ngừng gia tăng. 10 tháng qua, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt trên 10,8 tỷ USD, chiếm 27,9% thị phần.

Không những thế, trị giá nhập khẩu chè của Mỹ từ thị trường Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao so với các nguồn cung chính. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC), nhập khẩu chè của Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 85,9 nghìn tấn, trị giá 375,5 triệu USD, tăng 8,2% về lượng và tăng 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè nhập khẩu bình quân của Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 4.372,2 USD/ tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 7 cho Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2021, đạt 4,1 nghìn tấn, trị giá đạt 5,7 triệu USD, tăng 1,8% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá nhập khẩu chè bình quân từ Việt Nam đạt 1.404,8 USD/tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. 

Việt Nam là thị trường cung cấp chè đen lớn thứ 6 cho Mỹ, lượng và trị giá nhập khẩu chè đen từ Việt Nam đều tăng, nhưng tỷ trọng nhập khẩu chè đen từ Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, Mỹ nhập khẩu chè xanh từ Việt Nam giảm cả về lượng và trị giá, đạt 500 tấn, trị giá 952 nghìn USD, giảm 22,7% về lượng và giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2020. 

 

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu chè sang thị trường Mỹ trong thời đại dịch Covid-19 - Ảnh 1

Theo các chuyên gia trong ngành, nhờ kiểm soát được dịch bệnh, các hoạt động được mở cửa trở lại, Mỹ trở thành thị trường tiềm năng cho nông sản Việt xuất khẩu. Bên cạnh đó, nông sản của Việt Nam và Mỹ mang tính bổ trợ cho nhau chứ không phải cạnh tranh. Vì thế, nông sản tại Việt Nam khi đặt chân tới Mỹ có rất nhiều lợi thế.

Là 1 trong 5 thị trường này dẫn đầu về trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu, ở Mỹ, gần 80% hộ gia đình có trà tại nhà và hơn 159 triệu người Mỹ uống trà hàng ngày. Người Mỹ tiêu thụ hơn 84 tỷ lượt phục vụ trà mỗi năm, trong đó có khoảng 84% là trà đen, 15% là trà xanh, và phần còn lại là trà ô long, trà trắng và trà đậm, và tỷ lệ tiêu thụ trà xanh đang tăng lên mỗi năm.  Đây được xem là thị trường tiềm năng cho sản phẩm chè đặc sản cao cấp của Việt Nam.

Không những thế, hiện nay, tại Mỹ có gần 3 triệu kiều bào, hơn 30.000 lưu học sinh Việt Nam và rất nhiều người Mỹ đã từng trải nghiệm, yêu mến nông sản Việt Nam. Sự đa dạng và cởi mở trong văn hóa Mỹ cũng khiến người tiêu dùng muốn trải nghiệm sản phẩm mới, mở ra cơ hội cho các sản phẩm chè của Việt Nam. Nhiều chuyên gia cũng đánh giá cao tiềm năng của chè đặc sản Việt Nam tại thị trường Mỹ. Ông Peter Goggi, Chủ tịch Hiệp hội Chè Mỹ, cũng cho rằng lịch sử trồng chè lâu đời, với những đồi chè và cây chè cổ thụ đã tồn tại qua nhiều thế hệ là những điều mà người tiêu dùng Mỹ rất hứng thú, đặc biệt là đối với phân khúc chè đặc sản.

Hơn nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng có kinh nghiệm xuất khẩu sang Mỹ và luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan chính phủ như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương trong việc đàm phán mở cửa thị trường, quy hoạch vùng trồng, tạo thuận lợi, hỗ trợ kết nối bạn hàng, thâm nhập thị trường.

Do đó, ngành chè Việt Nam có rất nhiều cơ hội để có thể phát triển mạnh mẽ hơn tại thị trường Mỹ đầy tiềm năng này. 

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu chè sang thị trường Mỹ trong thời đại dịch Covid-19 - Ảnh 2

Tận dụng thời cơ tăng tốc

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, hoạt động xuất khẩu chè sang Mỹ cũng gặp không ít khó khăn. Trước hết, sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác. Thực tế, thị phần chè của Việt Nam còn quá khiêm tốn so với nhiều thị trường khác, như Trung Quốc, Argentina, Ấn Độ,… Trong đó, Argentina là thị trường cung cấp chè lớn nhất cho Mỹ trong 9 tháng năm 2021, đạt 33,8 nghìn tấn, trị giá 43,7 triệu USD, tăng 18,2% về lượng và tăng 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè nhập khẩu trung bình từ thị trường Argentina đạt 1.293,8 USD/tấn, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ thị trường Argentina chiếm 39,3% tổng lượng chè nhập khẩu của Mỹ.

Tiếp theo là thị trường Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm 2021 nhập khẩu chè của Mỹ từ thị trường này đạt 8,8 nghìn tấn, trị giá 38,9 triệu USD, tăng 0,5% về lượng và tăng 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ Trung Quốc đạt mức 10,3% trong 9 tháng năm 2021.

Hơn thế, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn, nhưng cũng là thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Để đẩy mạnh xuất khẩu, thay đổi hình ảnh chè Việt, khẳng định vị thế, khai thác tốt hơn các thị trường lớn, giàu tiềm năng như Mỹ, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè cần đầu tư sâu hơn nữa vào phát triển chuỗi giá trị ngành hàng chè, đặc biệt là quan tâm sát sao đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các công ty cũng cần mở những chiến dịch quảng bá, khai thác những câu chuyện lý thú về lịch sử trồng chè và văn hóa thưởng trà của người Việt. Doanh nghiệp chè Việt Nam cũng cần tìm kiếm những phân khúc thị trường mới, tận dụng những lợi thế của Việt Nam so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác, thông qua các hội chợ triển lãm, các siêu thị.  

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiên cứu cẩn thận thị trường này. Để xuất khẩu được vào Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức, năng lực thực thi các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ... Không tiếp tay cho hàng hóa từ các nước đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sang Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu đi nước thứ ba. Đồng thời phải thực hiện quản trị tốt công việc lưu trữ chứng từ về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, sản phẩm để phục vụ hoạt động xác minh, điều tra của nước nhập khẩu. Nếu vượt qua được các rào cản kỹ thuật thì xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp và khó dự đoán, doanh nghiệp chè Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, tham gia các hội chợ, triển lãm trên không gian ảo và sẵn sàng các điều kiện để cung ứng hàng hóa qua các nền tảng thương mại điện tử. Từng bước chủ động, nắm chắc mọi cơ hội, vị thế của Chè Việt Nam trên thị trường chè cao cấp quốc tế sẽ được nâng cao hơn, từ đó góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chè xuất khẩu của Việt Nam.

*Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Hồng Anh