Cơ hội lớn cho trái dừa Việt Nam

Với quyết định mở cửa cho dừa Việt Nam xuất khẩu chính ngạch của Mỹ và thông tin Trung Quốc đang xây dựng Nghị định thư về nhập khẩu dừa từ Việt Nam, mặt hàng này của Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu mang về lợi nhuận tỷ đô.

Mới đây, Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS), Bộ Nông nghiệp Mỹ đã gửi thư tới Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông báo về việc Mỹ mở cửa thị trường với quả dừa sọ Việt Nam sang thị trường này.

Cơ hội lớn cho trái dừa Việt Nam - Ảnh 1

APHIS cho biết, kết quả đánh giá cho thấy, quả dừa sọ Việt Nam đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ về sản phẩm chế biến và có rủi ro lây lan dịch hại thực vật không đáng kể. Điều này có nghĩa là thay vì phải trải qua quy trình pháp lý tiếp cận thị trường mới và lâu dài đối với trái cây và rau quả tươi, APHIS đã tận dụng các quy định hiện hành đối với các sản phẩm đã qua chế biến để điều chỉnh các lô hàng dừa sọ. APHIS cũng đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến yêu cầu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp (ACIR) để phê duyệt việc nhập khẩu dừa non Việt Nam, đã tách ít nhất 75% (3/4) phần xơ dừa và loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ xanh bên ngoài.

Theo đó, các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ ngay lập tức, do APHIS phân loại quả dừa đã bỏ vỏ được coi là dừa thương phẩm không có khả năng nảy mầm. Cùi và nước dừa bên trong có thể dùng làm thức ăn, nên yêu cầu kiểm dịch thực vật duy nhất là các lô hàng hóa này phải được kiểm tra tại các cảng nhập cảnh của Mỹ. Bên cạnh đó, APHIS cũng cho biết đã thông báo nội dung cập nhật tới các Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào của lô hàng tại các cảng nhập của Mỹ.

Không chỉ Mỹ, theo kế hoạch trong tháng 8, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ sang kiểm tra thực địa các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi ở nước ta có nhu cầu xuất khẩu chính ngạch. Trong đợt kiểm tra lần này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tập trung vào kiểm tra hệ thống kiểm soát và phòng chống sinh vật gây hại trên dừa tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói; quy trình đăng ký vườn trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu, công tác đào tạo và giám sát dịch hại...; công tác phòng dịch của doanh nghiệp xuất khẩu (bố trí vườn trồng, biện pháp phòng dịch, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đào tạo cán bộ); quy trình thu hoạch, vận chuyển và đóng gói dừa xuất khẩu;…

Việc kiểm tra sẽ giúp Trung Quốc đánh giá được chi tiết về hệ thống kiểm soát an toàn, chất lượng dừa xuất khẩu của Việt Nam, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, đảm bảo xuất khẩu dừa an toàn và hiệu quả hơn. Qua đó nâng cao tính minh bạch, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn của dừa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, góp phần thúc đẩy ký kết Nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi giữa hai nước. Sau kiểm tra, Trung Quốc sẽ thực hiện quy trình đánh giá rủi ro và đề xuất các yêu cầu nhập khẩu phù hợp để xây dựng Nghị định thư về nhập khẩu dừa từ Việt Nam.

Theo đánh giá, Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành này và tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm từ trái dừa còn rất lớn. Đặc biệt là khi Mỹ đã mở cửa cho trái dừa Việt Nam và Trung Quốc hiện mong muốn kết nối và thúc đẩy nhập khẩu dừa Việt theo đường chính ngạch. Hầu hết sản phẩm từ dừa đều được nước này ưa chuộng như dừa khô, chỉ xơ, kẹo, lưới xơ, thạch, cơm nạo sấy, nước cốt dừa.

Để đáp ứng được nhu cầu và tiêu chuẩn xuất khẩu của thị trường thế giới, Hiệp hội dừa Việt Nam (VCA) đang xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để người nông dân trồng dừa được hưởng giá cao, đồng thời, tạo sức cạnh tranh trên đấu trường quốc tế. VCA sẽ hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm từ dừa đi Trung Quốc, thâm nhập thêm thị trường Nhật Bản và EU, Mỹ. Với mục tiêu phát triển bền vững, ngành dừa khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu. Việc trái dừa Việt Nam đạt được “visa” xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ sẽ giúp xuất khẩu dừa của Việt Nam sớm cán mốc tỷ USD.

Khuyến nghị một số giải pháp nhằm khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc cho sản phẩm dừa Việt Nam, trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan PGS.TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, các địa phương, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, cần tập trung phát triển bền vững là tăng tỷ trọng chế biến sâu, điều này không chỉ giúp kiểm soát được giá thành mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với mặt hàng tươi. Đặc biệt, hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung.