Cổ phiếu MPC: Sẽ gặp bất lợi nếu bị áp thuế chống bán phá giá

Hiện tại các doanh nghiệp tôm Việt Nam đang được hưởng thuế chống bán phá giá 0% (theo kết quả cuối cùng kỳ xem xét 2017-2018 – POR 13). MPC được miễn thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ từ năm 2016, kỳ vọng tạo lợi thế cạnh tranh để MPC hưởng lợi từ đà tăng trưởng tôm năm nay. Xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ đã tăng 32% YoY đạt 544 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nhờ đối thủ Ấn Độ tiếp tục bị gián đoạn nguồn cung do đại dịch và đối thủ Trung Quốc đang mất dần thị phần giữa cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), KBSV hạ bậc khuyến nghị từ MUA xuống NẮM GIỮ đối với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) khi giá cổ phiếu đã chạm giá mục tiêu 31,700 VND và MPC cũng sắp có phán quyết cuối cùng về vụ kiện chống bán phá giá dự kiến sẽ công bố cuối tháng 10. Tuy nhiên, với rủi ro vừa nêu, giá cổ phiếu có thể sẽ đi ngang chờ đợi kết quả vụ kiện, mặc dù KBSV cho rằng MPC sẽ thắng kiện (tức vẫn được miễn thuế chống bán phá giá).

Chúng tôi xin trích lược lại báo cáo phân tích của KBSV như sau:

Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đang áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm tôm đông lạnh của MSeafood (công ty con của MPC tại California, Hoa Kỳ).

Theo đó, MSeafood phải nộp tạm ứng mức thuế 10.17% (mức thuế chống bán phá giá hiện tại của Ấn Độ) đối với tôm đông lạnh nhập khẩuvào Mỹ sau ngày 10/09/2019 (ngày bắt đầu vụ kiện). Cuộc điều tra chính thức bắt đầu vào tháng 1/2020 với cáo buộc MPC trốn thuế chống bán phá giá khi sử dụng tôm đông lạnh Ấn Độ để xuất sang Mỹ (tôm đông lạnh Ấn Độ đang chịu thuế chống bán phá giá 10.17%). MPC phản đối cáo buộc này và phản biện rằng họ chỉ sử dụng tôm nguyên liệu Ấn Độ (bên cạnh tôm nguyên liệu Việt Nam) để chế biến (lột vỏ, luộc, tẩm bột,..) và không sử dụng tôm thành phẩm Ấn Độ để xuất sang Mỹ.

Hiện tại các doanh nghiệp tôm Việt Nam đang được hưởng thuế chống bán phá giá 0% (theo kết quả cuối cùng kỳ xem xét 2017-2018 – POR 13). MPC được miễn thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ từ năm 2016, kỳ vọng tạo lợi thế cạnh tranh để MPC hưởng lợi từ đà tăng trưởng tôm năm nay.

Xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ đã tăng 32% YoY đạt 544 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nhờ đối thủ Ấn Độ tiếp tục bị gián đoạn nguồn cung do đại dịch và đối thủ Trung Quốc đang mất dần thị phần giữa cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Nguồn: KBSV
Nguồn: KBSV

Với mức thuế chống bán phá giá tạm thời 10.17% (mức thuế của Ấn Độ), KBSV ước tính MPC sẽ phải tạm nộp thuế khoảng 208 tỷ VND trong năm 2020E. Công ty đã tạm nộp thuế 86 tỷ VND tính tới ngày 12/08/2020 và sẽ chỉ được hoàn nếu MPC thắng vụ kiện. Nếu phán quyết cuối cùng giữ nguyên mức thuế 10.17% này, KBSV dự phóng lợi nhuận 2020E sẽ giảm 13% từ 924 tỷ VND (EPS: 4,619 VND/cổ phiếu) xuống còn 802 tỷ VND (EPS: 4,009 VND/cổ phiếu).

Khi đó, lợi nhuận dự phóng 2021E sẽ giảm mạnh 27% từ 881 tỷ VND (EPS: 4,403 VND/cổ phiếu) xuống còn 645 tỷ VND (EPS: 3,224 VND/cổ phiếu) do KBSV kỳ vọng MPC không còn được hưởng lợi từ việc miễn thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng mạnh trong năm 2021E sau đại dịch.

Nếu MPC bị áp thuế chống bán phá giá, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ cũng có thể bị giảm mạnh và làm giảm lợi nhuận. Ngược lại, nếu MPC thắng kiện, khoản thuế tạm nộp 86 tỷ VND sẽ được hoàn lại và tăng 7% lợi nhuận dự phóng 2021E, đạt 941 tỷ VND (EPS: 4,705 VND/cổ phiếu).

Nguồn: KBSV
Nguồn: KBSV

KBSV vẫn kỳ vọng vụ kiện sẽ có kết quả khả quan khi MPC cung cấp đầy đủ chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của tôm đông lạnh xuất khẩu sang Mỹ. Cáo buộc của phía Mỹ dựa trên sự khác biệt lớn giữa sản lượng tôm nguyên liệu mà MPC thu hoạch và sản lượng tôm xuất khẩu vào Mỹ.

Theo đó, sản lượng tôm nguyên liệu mà MPC thu hoạch (tự chủ) chỉ bằng khoảng 10% sản lượng đầu vào, khiến phía Mỹ cáo buộc MPC đã nhập khẩu một lượng lớn tôm Ấn Độ để thay thế. Tuy nhiên, thực tế MPC không chỉ sử dụng tôm tự nuôi mà còn liên kết chặt chẽ mua tôm nguyên liệu từ các hộ nông dân ở địa phương để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu của mình.

Tại đại hội cổ đông hồi tháng 6 vừa qua, Ban lãnh đạo MPC cũng khá tự tin về vụ kiện và cho biết khả năng thắng kiện trên 90%. Tuy vậy, phán quyết cuối cùng vẫn thuộc về phía Mỹ và sẽ có kết luận vào khoảng cuối tháng 10. Thị trường Mỹ là thị trường lớn của MPC, duy trì tỷ trọng doanh thu khoảng 40% trong 5 năm qua, trong khi mảng tôm đông lạnh (sản phẩm đang bị kiện chống bán phá giá) chiếm tỷ trọng khoảng 40% cơ cấu sản phẩm.

Nguồn: KBSV
Nguồn: KBSV

KBSV kỳ vọng lợi nhuận Q3 sẽ tăng mạnh 57% YoY đạt 362 tỷ VND chủ yếu nhờ: 1) con số tăng trưởng tốt hơn khi so sánh cùng kỳ năm trước do xuất khẩu nửa cuối năm 2019 giảm mạnh sau cuộc điều tra chống bán phá giá của Mỹ; 2) hoàn thành bản điều tra ban đầu đối với vụ kiện chống bán phá giá; 3) tăng thị phần tại Mỹ khi các nước đối thủ cạnh tranh tiếp tục bị gián đoạn nguồn cung do đại dịch; và 4) giao các đơn hàng bị hoãn trong Q1 và Q2 do đại dịch.

Nguồn: KBSV
Nguồn: KBSV
Nguồn: KBSV
Nguồn: KBSV

Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

Tạ Thành