Công an TP. Hà Nội cảnh báo: Thủ đoạn giả danh Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm giao thông

Ngày 6/9, Công an TP. Hà Nội cảnh báo, thời gian qua tiếp tục tái diễn tình trạng người dân nhận được tin nhắn, điện thoại của các đối tượng tự xưng là cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Hà Nội thông báo xử phạt vi phạm giao thông.

Công an TP. Hà Nội cảnh báo: Thủ đoạn giả danh Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm giao thông.  
Công an TP. Hà Nội cảnh báo: Thủ đoạn giả danh Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm giao thông.  

Theo đó, các đối tượng đề nghị người dân cung cấp số biên bản, nếu chưa nhận được biên bản, thì cung cấp tên tuổi, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để thông báo số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt. Tiếp đó các đối tượng sẽ yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng, đồng thời yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt. Có trường hợp, các đối tượng còn yêu cầu người dân cài phẩn mềm Dịch vụ công giả mạo để nộp phạt trực tuyến. Ngay sau khi cài đặt phần mềm giả mạo này, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.  

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Đối với việc xử lý vi phạm giao thông, các đơn vị Cảnh sát giao thông không nhắn tin, không gọi điện thoại yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền hoặc cài đặt phần mềm để nộp phạt trực tuyến. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo “phạt nguội” vi phạm giao thông

Thời gian gần đây thường xảy ra tình trạng tội phạm giả mạo Cảnh sát giao thông thông báo cho người dân về lỗi vi phạm giao thông dưới hình thức “phạt nguội” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mới đây, một nữ sinh viên đang học tại Đà Nẵng đã bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng bằng thủ đoạn trên.

Công an quận Liên Chiểu cho hay, đang thụ lý ban đầu, đồng thời chuyển hồ sơ cho các phòng nghiệp vụ của Công an TP. Đà Nẵng tiếp tục điều tra. Trong lúc sự việc chưa sáng tỏ, cơ quan CA khuyến cáo người dân không nên nghe theo lời đe dọa của kẻ xấu dưới bất kỳ hình thức gì, khi có những cuộc điện thoại gọi tới xưng danh là CA hay cơ quan cảnh sát điều tra và làm theo những hướng dẫn gây bất lợi về sau cho bản thân. Bởi, thời gian qua, tình trạng lừa đảo công nghệ cao đang diễn biến hết sức phức tạp.  

Công an TP. Hà Nội cảnh báo: Thủ đoạn giả danh Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm giao thông - Ảnh 1

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP. Đà Nẵng, các đối tượng lừa đảo không chỉ đưa ra lý do xe gây tai nạn bỏ trốn để yêu cầu nộp tiền phạt chờ giải quyết mà thời gian gần đây các đối tượng còn dùng điện thoại hoặc cuộc gọi miễn phí từ mạng xã hội thông báo hành vi vi phạm phạt nguội của người điều khiển phương tiện để lừa đảo. Đối tượng thông báo rằng phương tiện bị phạt nguội các lỗi như gây tai nạn, quá tốc độ, vượt đèn đỏ… rồi yêu cầu bị hại phải xử lý ngay. Thông thường, chúng đề nghị người nghe cung cấp số biên bản; nếu chưa nhận được biên bản thì cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số CMND, CCCD, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để Phòng CSGT hoặc Cục CSGT cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt. 

Ngay sau khi bị hại cung cấp thông tin, chúng yêu cầu người nghe máy chuyển tiền vào tài khoản định sẵn hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra, xử lý “phạt nguội”. Đồng thời yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt. “Xin khẳng định, đối với xử phạt vi phạm giao thông, lực lượng CSGT không bao giờ chủ động gọi điện đến chủ phương tiện hoặc người vi phạm để thông báo số tiền phải nộp phạt và yêu cầu chuyển khoản. Vì vậy, người vi phạm tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, mã OTP được gửi đến điện thoại, thẻ tín dụng… cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào. 

Riêng về quy trình phạt nguội, đại diện Phòng CSGT khẳng định: Hệ thống camera giám sát giao thông sau khi ghi nhận hành vi vi phạm và gửi về trung tâm điều khiển của Phòng CSGT sẽ được bộ phận xử lý in và gửi tất cả thông báo vi phạm về địa chỉ của chủ phương tiện. Người vi phạm cũng có thể tra cứu thông tin phạt nguội trên hệ thống của CATP hoặc Cục CSGT. Khi nhận được thông báo, chủ phương tiện căn cứ theo thời gian ghi trên thông báo để đến Phòng CSGT thực hiện thủ tục xử phạt theo đúng quy định của pháp luật, tránh để kẻ xấu lợi dụng trục lợi.

Tiến Hoàng (t/h)