Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, trà xanh mang lại nhiều tác dụng hóa học tốt nhờ thành phần hóa học đa dạng với các chất hỗ trợ sức khỏe và phòng chống bệnh tật.
Theo Ths. Ngô Đức Phương, nguyên cán bộ Khoa Tài nguyên Dược liệu - Viện Dược liệu: Về dược lý học, chè có vị đắng chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải khát, tiêu cơm, lợi tiểu, định thần làm cho đầu não được thư thái, khỏi chóng mặt xây xẩm, da thịt mát mẻ, bớt mụn nhọt và cầm tả lỵ. Do có cafein và theophyllin, chè xanh được xem là một chất kích thích não, tim và hô hấp, giúp tăng cường sức làm việc của trí óc và của cơ, làm tăng hô hấp, tăng cường và điều hoà nhịp đập của tim.
Thành phần catechin có trong trà xanh đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có tác dụng giảm nguy cơ gây ung thư, giảm kích thước khối u, giảm lượng đường trong máu, giảm cholesterol, diệt khuẩn, diệt virus cúm, chống hôi miệng. Ngoài ra, các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy tác dụng chống phóng xạ của chè xanh. Các flavonol và polyphenol làm cho chè có tính chất của vitamin P.
Công dụng của các thành phần dược lý có trong trà xanh
Caffeine: Đây là một loại hợp chất alkaloid và là chất kích thích chủ yếu có trong lá trà. Caffeine khó tan trong nước lạnh, hầu như không bị biến đổi khi chế biến và có tác động nhiều đến thần kinh trung ương. Hàm lượng caffeine tùy thuộc vào giống, mùa vụ, kỹ thuật canh tác và bộ phận của cây trà (caffeine khác nhau tùy vào là phần nõn trà, lá thứ nhất, lá thứ hai…). Chúng tồn tại ở dạng tanat caffeine, có vị dễ chịu và mùi thơm, tác dụng chậm hơn so với caffeine có trong coffee.
Hàm lượng cafein biến động theo giống, thời vụ, biện pháp kỹ thuật và bộ phận cây chè. Chất cafein biến đổi rất ít trong quá trình chế biến vì có tính chất bền vững, nhưng liên kết với tanin tạo nên chất tanat cafein, có vị dễ chịu và mùi thơm. Cafein trong chè có 6 tác dụng: Hưng phấn kích thích, lợi tiểu, trợ tim, tiêu hóa, giải độc và chống xơ vữa động mạch.
Hợp chất Polyphenol: Trong lá chè có chất polyphenol chè, vị chát; đó là hợp chất có nhiều chức năng dược lý đối với con người. Hàm lượng trong chất khô của trà chiếm tới 20-30%. Trà xanh nhiều hơn trà đen, trà cấp cao nhiều hơn cấp thấp, giống chè lá to nhiều hơn giống chè lá nhỏ, chè trồng mùa hạ nhiều hơn mùa xuân.
Polyphenol là hợp chất tạo nên vị chát của trà, đặc biệt mang lại nhiều chức năng dược lý đối với sức khỏe và sắc đẹp của con người.
Polyphenol lại chia thành nhiều loại, trong đó chiếm nhiều nhất là Flavonoid mà chủ yếu là các chất tanin (hợp chất gồm 7 loại catechin). Hàm lượng tanin trong trà càng cao thì chất lượng trà càng ngon. Polyphenol mang đến các tác dụng chủ yếu cho cơ thể như sau: giảm lipid trong máu, chống xơ vữa động mạch, giảm lượng đường trong máu, chống oxy hóa mạnh mẽ, diệt khuẩn, ngăn ngừa một số loại bệnh ung thư.
Thông thường, khi nhắc đến catechin, người ta vẫn hay ca ngợi về EGCG, mang đến khả năng chống oxy hóa rất cao, giúp bảo vệ tế bào tránh khỏi những thương tổn do sự tấn công của các gốc tự do, giảm viêm sưng, ngăn ngừa các loại bệnh mãn tính thường gặp. EGCG có hàm lượng cao nhất được tìm thấy ở trà xanh (trà tươi có nhiều hơn trà khô). Một số loại trà khác như trà trắng, Ô long, trà đen cũng chứa EGCG nhưng với hàm lượng khác nhau.
L-theanine: Đây là một loại acid amin tự do, được tổng hợp từ rễ dẫn lên tận lá trà. Chất này khi gặp ánh sáng mặt trời có cường độ lớn sẽ chuyển thành các polyphenol. Vì vậy, các loại trà khi trồng tại vườn hoặc được áp dụng các phương pháp che mát thủ công sẽ có nhiều L-theanine hơn so với trà được trồng ở đồi núi.
Lipopolysaccharide (LPS): Lipo-polysaccarid chiết xuất trong lá chè có màu xám hoặc nâu; đó là một loại hợp chất của lipid và đường. Lá chè Trung Quốc có 3% polysaccarid. Trong lipo-polysaccarid có hàm lượng lipid là 36-58% và 26-47% đường, 0,5-1,0% đạm, 0,7-1,2% lân và 2-3% albumin.
Hợp chất của lipid và đường, thường có màu xám hoặc nâu. Nhiều kết quả nghiên cứu chứng minh chúng có tác dụng tạo huyết, có tác dụng trị liệu khi bị mắc phóng xạ.
Tinh dầu và các acid đi cùng tinh dầu: Tinh dầu có trong lá trà thường được chia làm 2 loại: Có mùi hăng ngái và loại có mùi thơm. Chúng có thành phần hóa học khá phức tạp, tác dụng kích thích đến hệ thần kinh trung ương, có lợi cho các hoạt động lao động trí óc, hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa của chúng ta. Hàm lượng tinh dầu thơm có trong lá trà tươi cũng thường rất nhỏ và rất khó để phân tách (thường phải dùng sắc ký khí).
Hương thơm trà là một trong những tiêu chí rất quan trọng để đánh giá chất lượng của trà ngon (bên cạnh chất lượng lá trà, sắc nước, bã trà sau khi pha…). Hương thơm trà là sự tổng hợp của cả tinh dầu thơm trong búp trà tươi, sản phẩm có mùi tạo ra trong sự chuyển hóa của catechin và acid amin, sản phẩm tạo ra trong quá trình caramen hóa khi chế biến trà tươi thành trà khô.
Các vitamin và nguyên tố vi lượng: Bên cạnh các thành phần chủ chốt như trên, bên trong trà còn chứa một lượng vitamin và khoáng chất, có thể kể đến như tiền sinh tố A, B2, B3, B5, C…kali và Fluor (chất có tác dụng nhiều trong việc kháng khuẩn, bảo vệ răng miệng, chống lại các căn bệnh như mùi hôi khó chịu của miệng, viêm nướu). Fluor cùng Flavonoid còn có khả năng củng cố hệ xương, ngăn ngừa loãng xương đối với cơ thể. Các loại vitamin giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các loại bệnh như cảm cúm, virus thông thường.
Văn Chung