Chúng ta thường xuyên được khuyên rằng, nên uống đủ 8 cốc nước hay 2 lít nước mỗi ngày để cơ thể vận hành tốt. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước lượng dựa trên thành phần nước trong các cơ quan nội tạng như tim và não có 73% là nước, còn phổi là 83%. Trong khi đó, có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến lượng nước mà bạn thực sự cần trong ngày như giới tính, thể trạng, cân nặng, môi trường sống hay mức độ hoạt động.
Theo bà Karen Dwyer – Chuyên gia ngành tiết niệu, Phó hiệu trưởng Trường đại học Y, thuộc Đại học Deakin (Úc) từng chia sẻ trên báo giới cho biết: Bạn chỉ cần uống khi khát. Dấu hiệu dễ nhất kiểm tra cơ thể bạn thiếu nước hay không là màu của nước tiểu. Nếu thấy nước tiểu màu vàng nhạt, cơ thể bạn đủ nước; nếu màu rất sẫm là bạn thiếu nước và cần uống nhiều hơn; nếu màu trong như nước lã là hơi thừa, bạn có thể bớt uống đi một chút. Uống quá nhiều nước cũng có thể nguy hiểm, nhất là với những người có vấn đề về tim. Lượng nước hấp thụ vào cơ thể bao giờ cũng đi qua thận, và thận có khả năng đặc biệt kiểm soát lượng nước đó, vì thế nếu cơ thể thiếu nước, thận sẽ gửi tín hiệu lên não báo cho bạn cần uống thêm.
Vai trò của nước trong cơ thể
Nước có vai trò đặc biệt quan trọng với cơ thể, từ tế bào, mô, cơ quan, hệ cơ quan đều cần nước để có thể hoạt động bình thường.
– Các chất thải được loại bỏ một phần qua nước tiểu và mồ hôi.
– Nước duy trì nhiệt độ cơ thể ở mức ổn định.
– Bảo vệ các mô nhạy cảm và bôi trơn các khớp.
Ngoài ra nước còn giúp giải quyết một số vấn đề sức khỏe như:
– Táo bón: Tăng lượng nước uống hàng ngày có thể giúp giảm tình trạng táo bón.
– Ung thư: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người có thói quen uống nhiều nước có nguy cơ mắc ung thư bàng quang và ung thư đại trực tràng thấp hơn những người không có thói quen uống nhiều nước mỗi ngày.
– Uống nhiều nước giúp giảm nguy cơ mắc sỏi thận, sỏi bàng quang.
– Uống nhiều nước còn giúp tăng tính đàn hồi của da và giảm nguy cơ hình thành mụn trứng cá.
Các yếu tố ảnh hưởng đến lượng nước cần uống hàng ngày
Giới tính và tuổi tác
Ở các độ tuổi khác nhau, cơ thể chúng ta chứa một lượng nước khác nhau. Giới tính khác nhau cũng cần nạp lượng nước khác nhau.
Cân nặng
Các nghiên cứu nói rằng người trưởng thành có chỉ số khối cơ thể cao hơn thường dễ bị mất nước hơn.
Môi trường
Nếu bạn sống trong thời tiết nóng, bạn sẽ cần nhiều nước hơn những người sống ở gần biển.
Tập luyện
Nếu bạn là một vận động viên hoặc chỉ đơn giản là tập thể dục thường xuyên, bạn sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn một người làm công việc cố định. Do đó, bạn cần bổ sung nhiều nước.
Mang thai và cho con bú
Khi mang thai, các nghiên cứu cho rằng phụ nữ nên uống nhiều nước hơn bình thường.
Công thức tính lượng nước cơ thể cần
Công thức tính lượng nước cơ thể cần cơ bản dựa trên yếu tố cân nặng. Ngoài ra, bạn cần cộng thêm lượng nước khác tùy theo mức độ tập luyện và tình trạng sức khỏe.
– Công thức tính theo cân nặng: Cân nặng (kg) x 0,033 = Lượng nước bạn cần (lít). Ví dụ, bạn nặng 50 kg, thì lượng nước bạn cần là 50 x 0,033 = 1,65 lít/ngày.
– Công thức tính theo hoạt động thể chất: Thời gian tập luyện (phút) : 30 x 355 (ml) = lượng nước cần bổ sung thêm (ml). Ví dụ, bạn tập luyện trong 60 phút thì lượng nước bạn cần thêm là 60 : 30 x 355 = 710 ml.
Phụ nữ mang thai và cho con bú cần thêm khoảng 0,5 đến 1 lít nước mỗi ngày.
Thực phẩm giúp bù nước
Mặc dù các chuyên gia khuyên bạn nên uống nước tinh khiết để có đủ lượng chất lỏng cần thiết, nhưng một số người không thể uống nhiều nước như vậy trong ngày.
Mọi người có thể thay thế một phần lượng nước bằng các loại trái cây và rau quả chứa nhiều nước. Dưa hấu, cam và dưa chuột đều chứa từ hơn 80% là nước. Và các loại súp và đồ uống khác nhau như cà phê hoặc trà, cũng có thể thay thế một vài cốc nước.
Đức Giang (T/h)