Làng chài Bugoynes (Na Uy), cách Vòng Bắc Cực khoảng 482km về phía bắc, là một nơi lạnh giá, ảm đạm hầu như quanh năm và khá tiêu điều.
Việc làm ở đây vô cùng khan hiếm. Do đánh bắt quá mức nhiều năm nên sản lượng cá tuyết ở đây ngày càng ít. Những con thuyền nằm nhàn nhã trong làn nước băng giá. Những cư dân chọn ở lại chỉ có thể sống dựa vào số tiền ít ỏi mà họ vẫn có thể kiếm được từ việc đánh bắt và chế biến hải sản.
Đó là cuộc sống của họ, cho đến khi loài cua hoàng đế xuất hiện. Bắt đầu từ những năm 1980, những ngư dân "khốn khổ" bắt đầu vớt được những "quái vật khổng lồ bí ẩn" khi chúng vướng vào lưới của họ ở Varangerfjord (vịnh hẹp nằm ở cực Đông, Na Uy). "Quái vật ngoài hành tinh" giơ hai gọng kìm hung hãn đe dọa, chúng cũng nặng hơn nhiều so với những con cua nâu mà họ nhìn thấy trước đây.
Ngư dân Na Uy khi đó không biết loài giáp xác này đã đến từ Nga. Trong một nỗ lực xây dựng một ngành thủy sản bền vững, các nhà khoa học đã đưa cua hoàng đế đến thả ở vùng lãnh hải giữa Na Uy và Nga vào những năm 1960. Dần dần, những con cua di chuyển qua biên giới biển vào Na Uy. Các vịnh hẹp sâu ở biển Barents gần Bugoynes đã tạo ra một môi trường sống hoàn hảo cho loài cua này.
Cuộc xâm nhập của cua hoàng đế ban đầu được coi là một thảm họa. Nhưng khi các ngư dân biết về nghề khai thác cua hoàng đế Alaska trị giá hàng triệu đô, họ nhận ra rằng lợi ích tột bậc của loài cua này. Ngày nay, cua hoàng đế được cho là "ân nhân" đã giải cứu các làng chài ở phía bắc Na Uy vào thời điểm cá tuyết khan hiếm.
Cua hoàng đế Na Uy có vẻ ngoài quý phái. Nó khoác lên mình một lớp vỏ đầy gai nhọn trông giống như một chiếc vương miện; màu đỏ thẫm phủ mai giống như một chiếc áo choàng màu xa hoa. Một trong những chiếc càng của nó lớn hơn chiếc còn lại, như thể chiếc quyền trượng, nhưng thực chất được sử dụng để nghiền nát con mồi.
Cua hoàng đế đỏ là một cái tên phù hợp cho loài này, không chỉ vì màu đỏ và kích thước khổng lồ.
Cua hoàng đế Na Uy sống phù hợp trong nhiệt độ từ 1-4 độ C ở vùng nước lạnh có độ sâu từ 10 đến 400m. Những con cua hoàng đế sống ở vùng nước sâu ở biển Barents là loài cua hoàng đế lớn nhất. Chiều rộng mai lên đến 28cm, sải chân dài 1,8-2m và trọng lượng có thể đạt tới 12,7 kg. Thông thường, vòng đời của cua hoàng đế đạt từ 20 đến 30 năm.
Giống như một vị vua, loài cua thống trị phạm vi hệ sinh thái của nó. Không có nhiều kẻ thù tự nhiên cản đường, cua hoàng đế có thể tự do nuốt chửng mọi sinh vật biển trên đường đi của nó. Loài cua có khả năng thích nghi cao này ăn các loài động vật sống ở tầng đáy cũng như tảo biển. Ngày nay, môi trường sống của nó mở rộng dọc theo bờ biển Na Uy, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các sinh vật đáy biển, giống như những kẻ cướp biển Viking.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn nếm thử một trong những loài cua lớn nhất thế giới, hãy sẵn sàng trả mức giá đế vương. Nó thực sự là một mặt hàng xa xỉ và hầu như chỉ được phục vụ trong các nhà hàng cao cấp. Thậm chí, một nhà hàng ở châu Âu còn gọi cua hoàng đế Na Uy là "Rolls Royce trong động vật giáp xác". Đầu năm nay, giá cua hoàng đế Na Uy rơi vào khoảng 500 NOK (tương đương 50,3 USD)/kg.
Dù đắt đỏ nhưng sức hấp dẫn của "bậc đế vương" thì không thể phủ nhận. Thịt chân, càng... của cua hoàng đế Na Uy ngọt đậm hơn tôm hùm, thậm chí còn thơm hơn, rất thích hợp cho các món xào, nướng, ướp với bơ tỏi hoặc thêm các loại rau thơm và gia vị. Tuy nhiên, nhiều người thích ăn thuần tự nhiên (không gia vị) nên thường luộc hoặc hấp, trộn với chút salad và chanh. Do kích thước lớn, một con cua có thể cung cấp rất nhiều thịt.
Cua hoàng đế đỏ đặc biệt giàu chất đạm, vitamin A, riboflavin, B12, selen, chất chống oxy hóa, sắt, i ốt....
Theo nhận định chung của các đầu bếp nổi tiếng thế giới, loại cua này là một món ngon đẳng cấp thế giới được chào đón tại các bàn tiệc của thực khách trên toàn cầu.
PV