Theo đó, nội dung “5 có” là: Có đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, làm ra nhiều hàng hóa để dùng và bán; có tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, các dân tộc và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang ma, lễ hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông; có ý thức xây dựng Bản mới phát triển toàn diện, ấm no, hạnh phúc, đảm bảo an ninh trật tự; có nhiều người hiếu học, biết chữ, chăm làm, công tác tốt. Nội dung “5 không” gồm: Không du canh du cư, phá rừng làm nương, vượt biên trái phép và làm việc xấu; không truyền đạo trái phép và trái với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; không để người chết nhiều ngày, không để ngoài áo quan và mổ nhiều trâu, bò; không tái trồng cây thuốc phiện, buôn bán, vận chuyển, sử dụng các chất ma túy; không tảo hôn, thách cưới khi lấy vợ, gả chồng, sinh nhiều con.
Sau hơn nhiều năm triển khai thực hiện, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung và huyện Mộc Châu nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
Qua tìm hiểu, đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn huyện Mộc Châu hiện có 16 dòng họ với 2.650 hộ, trên 14.070 nhân khẩu, chiếm hơn 12 % dân số toàn huyện. Trước đây, người Mông sản xuất chủ yếu là tự cung, tự cấp, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế và đời sống của người dân còn nhiều hủ tục lạc hậu, do đó tỷ lệ hộ nghèo cao.
Từng bước loại bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu
Thực hiện nội dung cam kết “5 có, 5 không”, nhận thức của đồng bào dân tộc Mông đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều hủ tục lạc hậu được loại bỏ, nhất là việc tổ chức tang ma. Trước đây, người Mông rất lạc hậu trong cách tổ chức tang ma, người chết để lâu ngày và không cho vào áo quan, đem phơi nắng, gây ô nhiễm môi trường. Bởi theo quan niệm của người Mông trước đây, họ lo sợ rằng việc đưa người chết vào áo quan trước khi mai táng sẽ ảnh hưởng đến làm ăn và sức khỏe của con cháu sau này.
Nhờ sự tuyên truyền, vận động tích cực của cả hệ thống chính trị và phát huy vai trò già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong thực hiện các nội dung cam kết “5 có, 5 không”, đến nay người chết trong đồng bào dân tộc Mông đã được đưa vào áo quan và tang lễ được tổ chức gọn nhẹ, không tốn kém. Tiên phong cho cuộc “cách mạng” đó là dòng họ Thào ở bản Tà Phềnh, xã Tân Lập. Ông Thào A Nụ, Trưởng dòng họ bộc bạch: Từ khi có bản cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông, dòng Thào đã quyết định đưa người chết vào áo quan. Hồi đầu, chúng tôi hơi lo nghĩ nhưng đến nay không thấy xảy ra vấn đề gì, kinh tế vẫn phát triển ổn định, nên rất yên tâm.
Cũng là dòng họ đi tiên phong trong việc cho người mất vào áo quan, dòng họ Lầu tại tiểu khu Pa Khen cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Lầu A Dia, Trưởng dòng họ Lầu cho biết: Trước đây, khi chưa thực hiện bản cam kết “ 5 có, 5 không” đời sống của người anh em dòng họ nói riêng và bà con bản nói chung còn nhiều khó khăn lắm, do còn nhiều hủ tục lạc hậu, chưa biết cách làm kinh tế, nên còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo…Sau khi thực hiện bản cam kết “ 5 có, 5 không” của tỉnh đời sống bà con nhân dân bản đã có những thay đổi tích cực, các phong tục, hủ tục được cải thiện, tổ chức đơn giản, ít tốt kém, bà con dần thay đổi nhận thức, suy nghĩ, dần trồng các loại cây ăn quả để phát triển kinh tế nên đời sống ngày ổn định hơn.
Kinh tế cải thiện đời sống được nâng lên
Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, các nội dung cam kết “5 có, 5 không” đã được triển khai đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở, qua đó giúp người Mông nhận thức rõ tầm quan trọng của các nội dung “5 có, 5 không” và thực hiện một cách có hiệu quả. Đến nay, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc Mông ở Mộc Châu được nâng lên rõ rệt và tập quán sản xuất có chuyển biến tích cực. Các dòng họ trong vùng đồng bào dân tộc Mông đã tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và thực hiện các nếp sống văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo ngày một giảm.
Để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông, những năm qua, Nhà nước và tỉnh Sơn La đã đầu tư, xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng, hệ thống nước sinh hoạt, phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Mộc Châu. Ngoài ra, đồng bào người Mông còn được hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn cách chuyển đổi sản xuất, làm du lịch, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Nổi bật, trong phát triển kinh tế, người Mông đã có sự thay đổi vượt bậc, tập quán canh tác và sản xuất lạc hậu từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ. Nếu trước kia, người Mông chỉ độc canh sản xuất cây lương thực thì nay đã đưa vào sản xuất nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu như hồng giòn, đào ghép, mận hậu, sơn tra, chè, bơ, cam,…Trong chăn nuôi, bà con có các giống chất lượng, hiệu quả kinh tế cao như bò lai sin, dê lai, lợn nái sinh sản, đồng thời bảo tồn và phát triển các giống con nuôi bản địa như gà đen, lợn rừng...
Đặc biệt, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, đồng bào dân tộc Mông ở Mộc Châu đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như gia đình ông Hàng A Sở, Hàng A Giàng, Tráng A Tủa tiểu khu Pa Khen, …
Thăm mô hình trồng cam đường canh xem kẽ với cây mận hậu của gia đình ông Hàng A Sở, mô hình này hằng năm đã mang lại cho gia đình thu nhập trên 700 triệu đồng. Nhờ cần cù, chịu khó và tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, vườn cam canh của gia đình ông Sở năm nào cũng say trũi quả, mẫu mã đẹp, được các chủ mua cam tìm đến tận vườn. Ông Hàng A Sở cho biết: Gia đình tôi có gần 3 ha mận hậu, hơn 500 gốc cam canh, trung bình gia đình thu được gần 100 tấn quả các loại, thu hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình tôi thu trên 700 triệu đồng/năm. Năm qua tôi vinh dự được chọn là hộ “ Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.
Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi để con em người Mông được tới trường. Đến nay, 100% bản người Mông sinh sống đều có lớp học. Học sinh dân tộc Mông được hưởng đầy đủ những chế độ, chính sách, giúp các em yên tâm đến trường học tập và sinh hoạt bán trú. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ cơ sở là người dân tộc Mông được quan tâm. Số người Mông có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng và đại học tăng lên hàng năm.
Kết quả thực hiện các nội dung cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp và loại bỏ các hủ tục lạc hậu. Điều này còn khẳng định, đây là một chủ trương đúng, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhằm phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và làm thất bại âm mưu lợi dụng diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.
Nam Trứ /Văn phòng Tây Bắc