Cuộc chơi của đất

Anh Bùi Đức Thịnh – nghệ nhân tài hoa của làng cổ Bát Tràng là người đầu tiên đưa hình ảnh tre, trúc – loài cây thân thuộc gắn với người dân Việt Nam từ ngàn xưa vào các tác phẩm gốm được tỉ mỉ, công phu bằng tay.

Người đưa cây tre Việt Nam vào sản phẩm gốm

Sinh năm 1972, nghệ nhân quốc gia Bùi Đức Thịnh là một trong những người đầu tiên ở làng gốm Bát Tràng đưa hình ảnh cây tre Việt Nam vào trong các tác phẩm gốm được nặn vuốt tỉ mỉ, kỳ công bằng tay. Anh muốn hình ảnh loài cây thân thuộc, biểu tượng của những làng quê yên bình, biểu tượng của những đức tính bền bỉ, kiên trì, nhẫn nại, chịu thương chịu khó, vượt lên khó khăn tỏa bóng xanh tươi, giữ gìn và bảo vệ đất nghèo của loài cây thân thuộc này được tỏa sáng trong những tác phẩm gốm tâm huyết của mình.

Theo nghệ nhân Bùi Đức Thịnh, tre, trúc là một trong những họa tiết thân thuộc được nhiều làng nghề sử dụng để trang trí cho các tác phẩm nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ trên nhiều chất liệu khác nhau. Ở các sản phẩm gốm, các làng

nghề gốm cổ Phù Lãng, Bát Tràng, các làng nghề gốm sứ Hải Dương, Quảng Ninh hay các tỉnh thành vùng ĐBSCL, Nam Trung Bộ… cũng không xa lạ với các họa tiết tre, trúc… Tuy nhiên, hầu hết tre, trúc được tái hiện bằng việc vẽ thành tranh trên các sản phẩm gốm mà chưa có nhiều sản phẩm đắp nổi, trở thành một phần của tác phẩm.

Giữa năm 2023, một người con dâu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên hệ với nghệ nhân Bùi Đức Thịnh. Bà muốn anh thiết kế một sản phẩm để làm lò hương đặt khu Thờ Đại tướng ở Vũng Chùa (Quảng Bình) để thuận tiện cho người dân tới thắp hương Đại tướng. Vũng Chùa ở sát biển, gió rất mạnh. Mỗi ngày, có cả ngàn lượt người dân tới viếng thăm mộ Đại tướng, việc thắp hương và giữ gìn môi trường khu Đền thờ khá khó khăn, số lượng hương mỗi ngày người dân mang tới khá nhiều.

Khi đó, Bùi Đức Thịnh đã suy nghĩ rất nhiều. Anh mày mò và chế tạo một sản phẩm gốm theo dạng lò hương, có lỗ thông gió và lỗ thoát khí, lại yêu cầu phải kín để gió không thể cuốn tro, bụi… Bên trên sản phẩm ấy, anh đã đưa hình ảnh cây tre Việt Nam được đắp nổi để trang trí. Dụng ý của anh, đó là loài cây biểu tượng ấy sẽ có mặt bên khu Đền thờ của Đại tướng, để hình ảnh yên bình, thân thuộc của những làng quê, những đức tính đẹp đẽ của loài tre từ thuở theo Thánh Gióng đánh giặc Ân, làm gậy tầm vông, chông tre, gậy tre, giáo mác… cũng từ loài cây ấy mà ra, sẽ gần gũi bên anh linh Đại tướng…

Sau nhiều lần thử nghiệm, anh đã thành công. Sản phẩm lò hương bằng gốm màu men gan gà với họa tiết tre trúc đã xuất hiện, góp mặt ở Vũng Chùa.

Như một mối lương duyên, Bùi Đức Thịnh tiếp tục mày mò sáng tạo để đưa tre vào trong sản phẩm khay gốm, 100% làm thủ công, vuốt nặn bằng tay.

Những khay gốm, mẹt gốm… có thể là hình chữ nhật với kích thước khoảng 60cm chiều dài, rộng áng chừng 40cm, hoặc hình ovan, hình tròn để tạo sự sinh động. Điều đặc biệt, đó là nó tái hiện hình ảnh chiếc liếp tre, phên tre được đan từ những sợi lạt tre, nứa được chẻ mỏng, đan khéo léo với nhau như một chiếc liếp tre bằng thật. Xung quanh, anh vê một thẻo đất thó để làm gờ, nhìn tròn trịa, xinh xắn như những gờ đê. Có những chiếc anh để trơn, có những chiếc anh tỉ mẩn nặn những nút lạt thít chặt, như cách các nghệ nhân làng nghề đan lát vẫn cạp thúng mủng nong nia… để những vật dụng tre thêm bền bỉ.

Điểm nhấn của những sản phẩm khay gốm, mẹt gốm của Bùi Đức Thịnh, đó là một cây tre được đắp nổi trang trí khéo léo bên một góc sản phẩm. Hình ảnh đẹp đẽ đấy nó có một hiệu ứng vô cùng lớn giúp những sản phẩm gốm tre đạt tới sự hoàn mỹ về nghệ thuật, và tạo cho người xem một cảm xúc thân thuộc đến khó tả.

Cuộc chơi của đất - Ảnh 1

Gốm không chỉ đẹp mà cần phải “sạch”

Theo nghệ nhân Bùi Đức Thịnh, sản phẩm khay gốm, mẹt gốm của anh tạo tác là một tác phẩm nghệ thuật “không đụng hàng” với bất kỳ sản phẩm gốm nào khác ở Bát Tràng. Lò gốm của gia đình anh cũng là lò gốm duy nhất đang sản xuất những tác phẩm gốm như thế.

“Một chiếc khay gốm trải qua rất nhiều công đoạn, phải đạt yêu cầu nhẹ khi cầm, không quá dày cũng không quá mỏng. Dù tái hiện chiếc liếp tre cái lên cái xuống theo kiểu đan lạt, bề mặt của nó đòi hỏi phải phẳng, mịn, không để những chi tiết thừa, thô ráp. Muốn được như vậy, khâu làm đất đòi hỏi rất kỹ, tỷ mỉ, thậm chí còn đòi hỏi cao hơn so với các làng nghề làm đất để nặn chum, vại…” – anh Thịnh phân tích.

Theo anh Thịnh, những khay gốm này có rất nhiều công dụng: có thể làm đĩa đựng hoa quả trên bàn hoặc đồ thờ, dùng làm khay trà, hay thậm chí có thể dùng để đựng thức ăn trong gia đình.

“Tôi nghĩ, một sản phẩm đẹp không chỉ để trưng bày mà phải có giá trị sử dụng. Đó là điều tôi mong muốn khi chế tác những tác phẩm gốm làm các vật dụng thân thuộc trong gia đình. Thứ hai, gốm không chỉ đẹp mà cần phải “sạch”, đảm bảo vệ sinh, an toàn khi sử dụng. Do đó, nó sẽ có nhiều công dụng, và công dụng cao nhất là tham gia trong một bữa ăn của gia đình Việt Nam, giúp bữa cơm không chỉ ngon miệng mà còn đẹp đẽ, với những giá trị gần gũi, thân thuộc đầy chất văn hóa Á đông” – Bùi Đức Thịnh chia sẻ.

Cuộc chơi của đất - Ảnh 2

Từ những suy nghĩ này, Bùi Đức Thịnh đã mày mò, chế tác ra những sản phẩm gốm tinh xảo, đẹp đẽ, và ăm ắp hồn quê người Việt.

Những chiếc chén, tách bằng gốm màu gan gà, sánh quện như màu café, những vân gốm, hoa gốm nếu không nhìn kỹ, sẽ dễ nhầm tưởng đó là một chiếc tách tinh xảo được làm bằng gỗ dừa của các làng nghề vùng sông nước Nam Bộ…

Ở làng nghề Bát Tràng, những nghệ nhân gốm coi đất, yêu đất như máu thịt. Nó là thứ không thể thiếu để hình thành nên những sản phẩm gốm, được nhào trộn cùng với lửa, nước và những bàn tay con người.

Suốt hơn 500 năm lịch sử, làng gốm Bát Tràng dù trải qua nhiều biến cố và thăng trầm, tuy nhiên, nó vẫn tồn tại và ngày càng phát triển nhờ sự bền bỉ, miệt mài của những nghệ nhân tài hoa như Bùi Đức Thịnh. Họ đã cho đất một đời sống mới, từ tình yêu của những người hàng ngày vẫn miệt mài với cuộc chơi của đất.

Di Linh