Sự kiện là cơ hội lớn để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa của các dân tộc tỉnh Hòa Bình; di tích khảo cổ quốc gia đặc biệt Hang Xóm Trại, Mái đá Làng Vành và các điểm du lịch tiêu biểu hấp dẫn; giới thiệu các sản phẩm từ cá, tôm sông Đà, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh thu hút du lịch trong nước và quốc tế.
Để chào mừng Tuần Văn hóa – Du lịch, ngày 15/11 vừa qua, Sở Công Thương tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) năm 2024. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, các doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối trong và ngoài tỉnh.
Hội nghị đã thông tin đến các đại biểu về tiềm năng, lợi thế của Hòa Bình; tình hình phát triển KT-XH của tỉnh những năm gần đây, các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh; công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ thời gian tới... Đồng thời cung cấp thông tin về các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm của tỉnh...
Đây là hoạt động nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN năm 2024. Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến tham luận của đại biểu là đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh Hòa Bình; Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công, xúc tiến thương mại các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc; đại diện các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các nhà phân phối; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh... Các ý kiến tập trung làm rõ tiềm năng, lợi thế các mặt hàng nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của vùng đồng bào DTTS; kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất; đề ra các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ...
Hội nghị tổ chức gần 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu hàng trăm sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm OCOP của người dân, hộ kinh doanh, hợp tác xã tại vùng đồng bào DTTS&MN. Ngoài ra, còn có các sản phẩm OCOP, các mặt hàng nông sản, thực phẩm tiêu dùng, ẩm thực của các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Việc tổ chức Hội nghị, cũng như các hội chợ, sự kiện giới thiệu quảng bá các sản phẩm đặc sản, các sản phẩm OCOP của Hòa Bình tại các tỉnh, thành phố khác để người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng sản phẩm nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng của tỉnh nói riêng và các tỉnh khác nói chung ra thị trường quốc tế.
Cũng trong tối 15/11 UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Lễ cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà, đây là một trong những hoạt động đầu tiên của chuỗi sự kiện "Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024". Lễ cầu ngư và thả hoa đăng, với mong muốn để cầu cho đất nước được thái bình, thịnh vượng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Trong khuôn khổ "Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024" sẽ có các hoạt động chính như: Lễ Cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà; khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật năm 2024 với chủ đề "Nét đẹp Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình"; lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt hang xóm Trại, mái đá làng Vành và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024; tổ chức đưa khách đi tham quan trên khu du lịch hồ Hòa Bình; thi thuyết minh viên du lịch; khai mạc Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình; đêm hội rượu cần. Diễn đàn Nông nghiệp với chủ đề: "Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững"; khai mạc Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai năm 2024; giải thi câu thể thao trên sông Đà gắn với quảng bá văn hóa và giới thiệu cảnh quan du lịch hồ Hòa Bình; tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ thủy điện Hòa Bình...
Phát biểu tại buổi Lễ, Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: “Lễ cầu ngư và thả đèn hoa đăng trên dòng sông Đà được tổ chức là sự khẳng định và tiếp nối việc bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc sắc, đa dạng trong không gian văn hóa của dân tộc Việt Nam”.
Lễ hội nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa tinh thần, tạo dựng nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam với mong ước cầu cho âm siêu dương thái, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước được thái bình, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Mỗi ngọn đèn hoa đăng được đốt lên, cũng là dịp mọi người cùng cầu nguyện, gửi vào đó một tâm niệm thiện lành, an lạc, cầu cho đất nước được thái bình, thịnh vượng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Sau nghi lễ cầu ngư và lễ thả hoa đăng, nghi thức thả hàng nghìn bông hoa đăng được thắp sáng, lấp lánh trên sông Đà đã thu hút hàng nghìn người dân địa phương và khách du lịch hào hứng tham gia. Bà Bùi Thị Thảo Ly, người dân ở thành phố Hòa Bình cho biết: “Năm nay là lần thứ hai Lễ cầu ngư và thả hoa đăng được tổ chức tại Hòa Bình, với quy mô lớn hơn năm trước, nhiều hoạt động và sự kiện hấp dẫn, hoành tráng đã thu hút được sự tham gia của hàng nghìn người dân, khách du lịch gần xa”.
A Trứ- Duy Hưng