Qua tìm hiểu, huyện Mộc Châu có 16 dòng họ, với 2.650 hộ, gần 15.000 nhân khẩu, chiếm gần 13% dân số toàn huyện. Đời sống người dân đa số làm nông nghiệp, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Với bản sắc văn hóa đặc sắc, giữ gìn nhiều phong tục tập quán ý nghĩa... Những năm qua, đồng bào dân tộc Mông thường tổ chức các phong trào văn hóa, giao lưu văn nghệ, phong tục tấp quán…vào các dịp lễ hội, dịp Tết, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào mình.
Ngoài những ngày lễ lớn như: Ngày Hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu 2/9, Lễ mừng cơm mới thường diễn ra vào tháng 10- 11, tết truyền thống của đồng dân tộc Mông Mộc Châu 1/12 âm lịch...thì đồng bào người dân tộc Mông còn làm Lễ Tu Su vào tháng 7 hằng năm. Lễ Tu Su tại huyện Mộc Châu nói riêng và một số huyện trên địa bàn tỉnh nói chung, là một nghi lễ quan trọng được ông cha duy trì qua bao đời nay.
Nghi Lễ thường diễn ra trong một buổi, các dòng họ sẽ tập trung tại một gia đình nào đó được chỉ định từ năm trước để làm lễ. Lễ Tu Su khá đơn giảm, đồ làm lễ gồm 2 gùi ngô, 1 con gà trống, 1 quả trứng gà...Sau khi chuẩn bị xong thầy làm lễ sẽ khấn, kéo những sợi chỉ vây quanh thành vòng tròng để dòng họ mình ở trong, vừa kéo những sợi chỉ thầy vừa khấn đuổi đi những gì xấu, không may mắn của năm cũ đi hết... Cầu cho một năm mới dòng họ luôn có sức khỏe, an lành, làm ăn phát tài, phát lộc, cuộc sống ấm no.
Sau khi làm xong lễ dòng họ sẽ ngồi lại với nhau làm mâm cơm họp mặt và chọn ra gia đình năm tiếp theo sẽ nhận làm lễ. Điều đặc biệt sau khi xong lễ, mọi người sẽ phải kiêng 3 ngày không đi săn bắt, hạn chế dùng dao, cuốc, những vật sắc nhọn…nhằm tránh những tai nạn không may. Tất cả dòng họ sẽ ăn kiêng 3 ngày, hạn chế các món ăn tanh như thịt, cá...Nên ăn các món ăn chay, nhiều rau cỏ và không được sát sinh...Với mong muốn có một năm may mắn, an lành hạnh phúc. Sau khi kết thúc đi chuyển về nhà của mình, mỗi người sẽ được đeo một sợi chỉ đỏ để đem lại điều may điều lành cho chính mình và dòng họ.
Ông Hạng A Páo, già làng dòng họ Hạng bản Pa Khen chia sẻ: Người Mông có nhiều dòng họ như là họ Giàng, Tráng, Lầu, Mùa, Sồng, Hạng, Vàng, Hờ...Song mỗi dòng họ đều có nghi lễ Tu Su khác nhau, nhưng đều hướng đến những tốt đẹp cầu mong mọi sự cuộc sống ấm no, không vi phạm thuần phong mỹ tục của địa phương.
Mỗi vùng miền có đặc trưng riêng, song với những bản sắc văn hóa đẹp, lâu đời của đồng bào dân tộc Mông Mộc Châu đã và đang góp phần củng cố tình đoàn kết các dân tộc anh em trên địa bàn với nhau. Tạo nên những điệu nhảy tha khèn ý nghĩa, những điệu múa Mông riêng biệt, những bài hát dân ca...thu hút, góp phần xây dựng đời sống đồng bào vùng cao ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Nam Trứ/ VP Tây Bắc