Đại Bái - Di sản vàng son của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam

Làng nghề đúc đồng Đại Bái, thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, từ lâu đã trở thành một biểu tượng văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Đây là một ngôi làng nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống đã tồn tại hàng nghìn năm. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay làng Đại Bái không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm đúc đồng tinh xảo mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Làng nghề đúc đồng Đại Bái, thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Làng nghề đúc đồng Đại Bái, thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Làng nghề đúc đồng Đại Bái - Tinh hoa ngàn năm

Xuất hiện từ thời Phùng Nguyên, đạt tới đỉnh cao ở thời Đông Sơn và trường tồn trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc 4.000 năm, nghề đúc đồng thủ công Việt Nam đã hội tụ thành một trung tâm lớn, với những làng nổi tiếng. Trong đó, không thể không nhắc đến làng nghề đúc đồng Đại Bái (xưa là làng Bưởi), thuộc xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Trong sách “Phổ thông Hà Bắc thời Lê”, có chép “Đại Bái có nghề đạp thau, làm đủ các thứ mâm thau, chậu thau, ấm thau đều rất khéo”. Sự phồn vinh, hưng thịnh của làng nghề đúc đồng Đại Bái còn được dân gian truyền tụng qua câu ca dao: “Muốn ăn cơm trắng cá trôi/ Thì về làng Bưởi đánh nồi với anh”.

Các sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ tiêu biểu của làng nghề đúc đồng Đại Bái bao gồm: tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, tranh tứ quý, bình hoa, các bộ đồ trà, các bộ đờ thờ, tranh chạm khảm…Ông Trần Văn Trọng – nghệ nhân tại làng nghề Đại Bái cho biết: “Các sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ tại làng nghề rất đa dạng, sản phẩm đặc trưng nhất phải nói đến các sản phẩm tâm linh như: Tượng chân dung, tượng Phật, bộ tam sự, bát hương, cuốn thư, hoành phi câu đối, đỉnh đồng, ngai chén thờ, đài thờ...”.

Làng nghề đúc đồng Đại Bái không chỉ là một ngành nghề sản xuất mà còn mang trong mình nhiều giá trị văn hóa sâu sắc. Nghề đúc đồng đã gắn bó chặt chẽ với đời sống tâm linh của người dân, thể hiện sự tôn kính đối với tổ tiên và các vị thần linh. Những sản phẩm từ đồng không chỉ có giá trị sử dụng mà còn mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện niềm tin và văn hóa của người Việt.

Từ xa xưa những đồ đồng do thợ thủ công Đại Bái làm rất được ưa chuộng và chiếm một vị trí rất quan trọng. Vì vậy, khi nhắc đến nghề đúc đồng Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến Đại Bái. Trong bộ sách lớn của nước ta như “Đại Nam nhất thống chí” - sách địa lý chính thức của triều đình nhà Nguyễn do Quốc sử quán biên soạn, khi nói đến đồ đồng trên cả nước cũng chỉ nhắc đến đồ đồng Đại Bái. Cuốn sách “Nghề đúc đồng, nghề sơn Việt Nam” của Ths. Bùi Văn Vượng, tác giả viết “Phải chăng trung tâm Đại Bái đã kế tục truyền thống đúc đồng của người Việt cổ ở Lãng Ngâm thời Đông Sơn”. Điều đó chứng tỏ, trong thời kỳ phong kiến, các sản phẩm đúc đồng thủ công của làng Đại Bái đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt.

Đại Bái - Di sản vàng son của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam - Ảnh 1
Đại Bái - Di sản vàng son của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam - Ảnh 2
Một số sản phẩm của Làng nghề đúc đồng Đại Bái.
Một số sản phẩm của Làng nghề đúc đồng Đại Bái.

Nghệ thuật đúc đồng truyền thống vượt thời gian

Đồ đồng Đại Bái chủ yếu được làm từ đồng nguyên chất và hợp kim đồng, đảm bảo độ bền cao và khả năng chống oxy hóa tốt. Điều này giúp sản phẩm có tuổi thọ dài, không bị ăn mòn theo thời gian. Quy trình sản xuất đồ đồng tại Đại Bái rất tỉ mỉ và công phu, từ việc tạo khuôn, nung chảy đồng, đến gia công và hoàn thiện, đánh bóng. Nghệ nhân Trần Văn Trọng chia sẻ: “Nét độc đáo mà tôi tự hào mỗi khi nói về sản phẩm của làng nghề mình, chính là kỹ thuật thủ công. Đó là kỹ thuật riêng biệt không bị nhầm lẫn với bất kỳ làng nghề khác, cũng không một máy móc hiện đại nào có thể đạt được”.

Đặc biệt các sản phẩm của làng nghề thường mang đậm nét văn hóa dân tộc, với nhiều họa tiết, hoa văn truyền thống phong phú và đa dạng thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của người nghệ nhân. Bên cạnh đó, nghệ nhân làng nghề cũng không ngừng sáng tạo, cải tiến mẫu mã và thiết kế để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện đại, trong khi vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Giá trị của mỗi sản phẩm, không nằm ở cân nặng, kích thước mà chủ yếu là ở đường nét, họa tiết, mẫu mã và tâm huyết của người nghệ nhân “thổi hồn” vào sản phẩm.

Đại Bái - Di sản vàng son của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam - Ảnh 3

Hiện nay, làng Đại Bái có trên 70 doanh nghiệp và gần 700 hộ làm nghề với hơn 1.700 lao động chuyên làm các mặt hàng từ đồng, nhôm truyền thống. Một số sản phẩm đồng Đại Bái đã chinh phục được một số thị trường khó tính trên thế giới như: Nhật Bản, các nước Châu Âu và Đông Nam Á… Nghề đúc đồng được coi là nghề chính của nhiều hộ kinh doanh, đóng góp quan trọng vào thu nhập của người dân địa phương. Doanh thu của làng nghề không ngừng tăng qua các năm, năm 2017 toàn xã đạt gần 240 tỷ đồng, năm 2018 doanh thu ước đạt 260 tỷ, đời sống của người dân nơi đây ngày càng được phát triển.

Mặc dù nghề đúc đồng Đại Bái đã và đang phát triển mạnh mẽ, nhưng hiện nay, làng nghề cũng phải đối mặt với không ít khó khăn từ việc phải cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp và hàng hóa giá rẻ.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các nghệ nhân và chính quyền địa phương, cùng với việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, nghề đúc đồng Đại Bái sẽ có cơ hội phát triển trong tương lai. Các chương trình bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, cũng như quảng bá sản phẩm ra thị trường quốc tế sẽ là những hướng đi cần thiết.

Làng đúc đồng Đại Bái là một di sản văn hóa quý giá của Việt Nam, mang trong mình vẻ đẹp nghệ thuật truyền thống và sự tinh hoa của nghề thủ công. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Bắc Ninh mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy làng nghề không chỉ giúp giữ gìn nét văn hóa đặc sắc mà còn tạo ra giá trị kinh tế, văn hóa lâu dài cho các thế hệ mai sau.

NGUYỄN THÊU