Đánh giá thị trường chứng khoán ngày 18/5: VN-Index có thể sẽ giằng co tại khu vực 1250-1280 trong những phiên tới

Thị trường điều chỉnh trong phiên đầu tuần với thanh khoản tăng nhẹ. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 7,66 điểm (-0,6%) xuống 1.258,7 điểm; HNX-Index tăng 2,07 điểm (+0,7%) lên 296,79 điểm.

Ảnh  minh họa
Ảnh minh họa

Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn tăng nhẹ so với phiên trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên với 835 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 23.512 tỷ đồng. Độ rộng thị trường là tiêu cực với 230 mã tăng, 110 mã tham chiếu, 431 mã giảm.

Dựa theo các chỉ báo tâm lý và kỹ thuật, KTDU xin trích lược lại nhận định của một số công ty chứng khoán trong ngày 18/5/2021.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Theo quan điểm của BVSC, giai đoạn hiện tại tương đối thiếu vắng các thông tin hỗ trợ cho thị trường nên nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục biến động theo hướng giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trên trong vùng từ 1200-1220 điểm đến 1275-1285 điểm để tích lũy, tạo nền giá mới trong ngắn hạn.

Chiến lược đầu tư được BVSC đưa ra: Duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 30-35% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung dài hạn; Nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế mua trading ngắn hạn khi chỉ số kiểm định vùng hỗ trợ 1200-1220 điểm.

Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC)

VN-Index đã có những phút đầu bật tăng nhưng sau đó áp lực chốt lời tại vùng kháng cự trên 1270 đã khiến chỉ số giảm trở lại về dưới ngưỡng 1260.

Dòng tiền đầu tư suy giảm và chỉ còn 6/19 nhóm ngành tăng điểm. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường duy trì trạng thái tiêu cực với thanh khoản gia tăng so với phiên cuối tuần trước.

Theo đánh giá của BSC, VN-Index có thể sẽ giằng co tại khu vực 1250-1280 trong những phiên tới.

Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS)

Theo MBS, thị trường vẫn trong trạng thái phân kỳ và đi ngang 5 phiên vừa qua, dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu thép, 2 nhóm cổ phiếu này cũng là chỉ báo của thị trường.

Do vậy, khi 1 trong 2 hoặc cả 2 nhóm này suy yếu, thị trường sẽ không còn lực nâng, diễn biến ở phiên hôm nay cho thấy điều đó khi nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán và nhóm cổ phiếu thép giảm nhiệt.

Tuy vậy, thị trường cũng không vì thế mà xấu đi, với mức giảm nhẹ trong phiên hôm nay vẫn chưa ảnh hưởng đến xu hướng tăng của thị trường trong ngắn và trung hạn. Lúc này, thị trường vẫn đang được hỗ trợ từ nền vĩ mô hết sức tích cực nên cơ hội vượt đỉnh tâm lý vẫn còn nguyên vẹn.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)

Thị trường rung lắc và điều chỉnh trong phiên đầu tuần với thanh khoản gia tăng so với phiên trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra trong phiên hôm nay là tương đối mạnh. Điều này là tương đối dễ hiểu do thị trường vẫn chưa thể bứt phá ra khỏi vùng 1.250-1.286 điểm (đỉnh tháng 4/2021) nên áp lực chốt lời sẽ luôn thường trực.

Khối ngoại cũng góp phần vào lực bán với giá trị bán ròng khoảng 1.300 tỷ đồng trên hai sàn. Tuy nhiên, trên góc nhìn kỹ thuật, thị trường tiếp tục kết phiên trên ngưỡng 1.250 điểm nên xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 được đánh giá là cao hơn so với khả năng thị trường bước sang sóng điều chỉnh a.

Theo đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 18/5, thị trường có thể sẽ tăng điểm trở lại để hoàn thành sóng tăng 5 với target quanh ngưỡng 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4).

Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.250 điểm (MA20) để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

Tạ Thành