Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 17.945 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 883 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.995 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng mạnh về tích cực với 577 mã tăng, 100 mã tham chiếu, 151 mã giảm. Trong phiên đầu năm mới, dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào thị trường giúp các cổ phiếu đồng loạt bứt phá, qua đó kéo chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.120 điểm (đỉnh tháng 1/2018).
Dựa theo các chỉ báo tâm lý và kỹ thuật, KTDU xin trích lược lại nhận định của một số công ty chứng khoán trong ngày 5/01/2021.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)
Theo quan điểm của BVSC, VN-Index có thể gặp khó khan khi thử thách vùng kháng cự 1130 điểm trong tuần này. Nếu vượt qua vùng cản mạnh này, thị trường nhiều khả năng sẽ hướng đến vùng đỉnh lịch sử quanh 1200 trong ngắn hạn.
Mặc dù vậy, BVSC vẫn lưu ý về tình trạng quá mua của thị trường đang lan tỏa trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu. Việc này có thể sẽ tạo ra các phiên rung giật mạnh của thị trường trong quá trình đi lên.
Dòng tiền trong nước sẽ vẫn là động lực chính hỗ trợ cho đà tăng của thị trường. Nhà đầu tư cũng sẽ hướng sự quan tâm đến kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.
Chiến lược đầu tư được BVSC đưa ra: Duy trì tỷ trọng danh mục hiện tại lên mức 30-50% cổ phiếu; Các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục xem xét bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự mà chúng tôi đề cập.
Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC)
VN-Index tăng dần từ đầu phiên sáng đến cuối phiên chiều và đã đóng cửa phiên đầu năm 2021 ở quanh mức 1120. Dòng tiền đầu tư gia tăng với 17/19 nhóm ngành tăng điểm.
Trong khi đó, khối ngoại quay trở lại bán ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường ở trong trạng thái tích cực đồng thời thanh khoản gia tăng so với phiên trước.
Theo đánh giá của BSC, VN-Index sẽ hướng đến ngưỡng 1130 trong những phiên tới.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
VN-Index tiếp tục hành trình tăng điểm sau khi vượt qua vùng 1100 điểm trong phiên trước. Thị trường có động thái lùi bước nhẹ cuối phiên và thanh khoản tăng, điều này cho thấy động thái chốt lời vẫn đang tiếp diễn và gia tăng khi VN-Index ghi nhận mức cao mới.
Trong ngắn hạn, có khả năng thị trường sẽ gặp khó tại vùng cản 1130 điểm. Do vậy, Quý nhà đầu tư vẫn có thể nương theo nhịp tăng của thị trường nhưng cần quản lý rủi ro danh mục chặt chẽ và nên hạ tỷ trọng tại những mã đang chịu áp lực bán lớn tại vùng cản hoặc đã tăng cao đến vùng mục tiêu để tránh rủi ro bất ngờ.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)
Phiên giao dịch đầu năm mới 2021 diễn ra trong không khí hứng khởi khi mà hệ thống hoạt động trơn tru với việc nâng lô tối thiểu lên 100 cổ phiếu. VN-Index tiến vào vùng kháng cự 1.120-1.130 điểm (đỉnh tháng 1,2/2018) và áp lực chốt lời tại đây khiến mức tăng bị thu hẹp lại.
Trên khía cạnh định lượng, thị trường đã phá kỷ lục trong giai đoạn 2015-2020 với 9 tuần tăng liên tiếp 20% với việc vượt qua ngưỡng 1.110 điểm trong phiên hôm nay. Điều này cũng cho thấy sức nóng của thị trường trong giai đoạn hiện tại. Tâm lý cứ mua là thắng đang tràn ngập, nhưng điều này cũng cảnh báo khả năng điều chỉnh mạnh sau đó.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 cao hơn chỉ số cơ sở từ 17-20 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 6/2019 đến nay, thể hiện mức độ chấp nhận rủi ro cao từ các nhà giao dịch.
Trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng bảo vệ thành quả đã đạt được trước đó và chờ đợi thị trường điều chỉnh về các vùng giá hấp dẫn hơn như quanh 1.080 điểm (MA20) và 1.020 điểm (MA50) để mua vào nhằm đón sóng tăng tiếp theo lên quanh ngưỡng 1.200 điểm (đỉnh tháng 4/2018) có thể diễn ra trong năm 2021.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành