Đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị cho hạt điều

Đầu tư chế biến sâu không chỉ giúp tăng giá trị xuất khẩu, mà còn là giải pháp để nâng cao giá trị hạt điều nhân.

Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Long Sơn chia sẻ, nhu cầu tiêu thụ hạt điều chế biến sâu đang tiếp tục tăng lên. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng hỗ trợ tích cực doanh nghiệp tăng xuất khẩu sản phẩm này.

Với các FTA mà Việt Nam đã ký, hạt điều chế biến sâu nhập khẩu từ Việt Nam được giảm thuế xuống 0% tại nhiều thị trường lớn. Chính vì vậy, trong những năm qua, Long Sơn đẩy mạnh đầu tư, sản xuất các sản phẩm hạt điều chế biến sâu, hạt điều chất lượng cao, giúp Công ty tiếp cận được nhiều khách hàng khó tính và bán được giá tốt hơn so với mặt bằng chung.

Đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị cho hạt điều - Ảnh 1

Năm 2023, Long Sơn thành công trong việc chế biến sâu và xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm hạt điều rang muối, điều tỏi ớt, điều gia vị, điều hạt mè, điều mật ong... Đồng thời, Công ty bán trực tiếp cho các hệ thống siêu thị lớn như Walmart và các siêu thị khác.

Tại Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam 2024, ông Trần Anh Kha, quyền Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm An Điền (Andi Foods), công ty thành viên thuộc Tập đoàn Dan-D Foods (Canada) cho biết, ngay từ khi thành lập, Công ty đã định hình hướng đi của mình là phải chế biến sâu, đa dạng sản phẩm để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Đây là công ty đầu tiên của Việt Nam sử dụng công nghệ nhận dạng và phân loại laser màu và tia X hiện đại nhất của Nhật Bản trong việc xử lý hạt điều. Các sản phẩm của Công ty được sản xuất theo tiêu chuẩn FDA, ISO 22000, BRC FOODS, HACCP và xuất khẩu đến Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nga, Đài Loan, Philippines, Thụy Điển, Nhật Bản...

Dù các doanh nghiệp đều nhận thức được việc chế biến sâu sẽ đem lại giá trị cao hơn cho sản phẩm, song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư để chuyển đổi.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Việt Nam đang nhập khẩu tới gần 65% sản lượng điều thô và chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu trên thị trường thế giới.

Năm 2023, các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam nhập khẩu xấp xỉ 3 triệu tấn điều thô, chế biến xuất khẩu trên 600.000 tấn điều nhân. Tuy nhiên, giá điều thô có thời điểm tăng cao trong khi giá điều nhân cũng tăng nhưng không tương ứng, khiến nhiều doanh nghiệp càng làm càng lỗ.

Bước qua đầu mùa vụ điều năm 2024, nỗi lo này lại chực chờ khi vẫn tiếp diễn tình trạng doanh nghiệp, nhà máy chế biến điều trong nước có dấu hiệu mạnh ai nấy chạy đua nguyên liệu, tranh nhau làm giá khiến cho giá điều thô khả năng tiếp tục lên cao.

Chủ tịch VINACAS Phạm Văn Công thẳng thắng nhìn nhận, doanh nghiệp Việt đang “tự gõ vào chân mình" khi tự đẩy giá thành điều nguyên liệu cao hơn giá bán. Tình trạng này khiến hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều nhân trong nước bị thua lỗ hoặc không có lợi nhuận, nhiều nhà chế biến đã phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm sản lượng

Trong bối cảnh giá điều xuất khẩu đang giảm, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp không nên vội vàng mua điều thô dự trữ với khối lượng lớn ngay từ đầu vụ khi mà sản lượng điều năm nay được dự báo là khá dồi dào. Thay vào đó, doanh nghiệp cần bình tĩnh, đợi khi giá điều thô ở mức hợp lý mới tiến hành mua, và chỉ nên mua điều thô khi đã có hợp đồng xuất khẩu điều nhân để cân đối được giá thành.

Tuy nhiên, chế biến sâu đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ phải đầu tư nhà máy, mà phải đào tạo cả đội ngũ nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng những quy định khắt khe về quy trình sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát vi sinh, quy trình vận hành nhà máy... Những khoản chi phí này rất lớn, mà nhiều doanh nghiệp khó khăn về vốn, việc tiếp cận vốn ngân hàng không dễ.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước đạt 2,9 tỷ USD, năm 2021 là 3,18 tỷ USD, năm 2022 đạt 3 tỷ USD, năm 2023 đạt 3,6 tỷ USD. Tuy vậy, việc phát triển cây điều và ngành chế biến hạt điều vẫn còn những hạn chế, thách thức.

Ông Trần Công Khanh - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều - cho hay, những thách thức đối với hạt điều Việt Nam hiện nay đó là sản phẩm chế biến chưa đa dạng, chủ yếu dạng thô nên giá trị gia tăng vẫn còn thấp, sức cạnh tranh một số sản phẩm vẫn còn kém; việc liên kết, hợp tác phát triển theo chuỗi giá trị vẫn còn yếu, đặc biệt là việc xúc tiến thương mại, liên kết với các đối tác nước ngoài có thị trường tiềm năng; liên kết vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vẫn còn nhiều hạn chế; chỉ dẫn địa lý, phát triển thương hiệu, bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ quốc tế cho cây điều vẫn chưa thực hiện được nhiều.

Ngoài ra, kỹ thuật canh tác, chuyển giao giống điều vẫn còn những hạn chế nhất định. Phát triển điều còn đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng của rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu. Hiện nay ngành điều còn bị cạnh tranh gay gắt khi Campuchia, các nước Tây Phi và Đông Phi có quỹ đất lớn, phù hợp, họ đang đẩy mạnh phát triển cây điều và từng bước đầu tư chế biến, xuất khẩu nhân điều.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại nhiều thị trường đã có sự cải thiện kể từ cuối năm 2023, mở ra triển vọng sáng hơn cho xuất khẩu điều của Việt Nam trong năm 2024. Do đó, ngành điều Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu. Hiện giá hạt điều đang ở mức thấp sẽ giúp thúc đẩy hoạt động tiêu thụ mặt hàng có lợi cho sức khỏe này, trong khi năng suất và sản lượng thu hoạch khá ổn định.

Hương Trà (t/h)

Từ khóa: