Qua khảo sát, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng trái cây trên địa bàn Hà Nội khoảng 52.000 tấn/tháng, trong đó nguồn cung trên địa bàn đáp ứng khoảng 35% nhu cầu. Hệ thống phân phối mặt hàng trái cây trên địa bàn đa dạng với 29 trung tâm thương mại, 112 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 453 chợ với khoảng 4.050 hộ có kinh doanh trái cây, 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây trên các tuyến phố, khu dân cư.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với mục tiêu quản lý và phát triển hoạt động của các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm, Hà Nội đã tổ chức triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành trực thuộc thành phố Hà Nội” (giai đoạn 2017-2019) và Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025” nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố.
Đến nay, theo đề án thí điểm, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan cấp biển nhận diện cho 100% cửa hàng kinh doanh trái cây tại 12 quận nội thành đáp ứng yêu cầu của Đề án. Triển khai đề án, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, đôn đốc các cửa hàng duy trì, hoàn thiện điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Hiện, trên toàn địa bàn thành phố có 58% cửa hàng đã được cấp đăng ký kinh doanh; 89% người lao động đã được khám sức khỏe định kỳ; 90% người lao động được xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 84% cửa hàng đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; 53,2% cơ sở có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ... Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng 65 tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây tại lòng đường, vỉa hè…
Bên cạnh đó, để ổn định thị trường, đẩy mạnh khai thác nguồn hàng trái cây, nông sản bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng về tiêu thụ tại hệ thống phân phối trên địa bàn, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố. Qua các giải pháp thực tế, hiệu quả, đã kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp phân phối, siêu thị với các vùng sản xuất nông sản Hà Nội có sản phẩm mùa vụ sản lượng lớn kịp thời tiêu thụ. Sở Công Thương Hà Nội cũng chủ trì, phối hợp cung cấp thông tin yêu cầu, tiêu chuẩn của các kênh phân phối đối với chất lượng, quy cách sản phẩm, hàng hóa để các cơ sở sản xuất chuẩn bị phương án sản xuất phù hợp.
Trong 9 tháng năm 2022, thành phố đã tổ chức, tham gia và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trên 100 sự kiện, hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại tại Hà Nội và các tỉnh, các kênh phân phối trên địa bàn thành phố hỗ trợ các tỉnh, thành phố kết nối tiêu thụ trên 250.000 tấn hàng hóa.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan cho rằng, các sở, ngành, hiệp hội cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá về các vùng sản xuất, sản phẩm an toàn, sản phẩm có thế mạnh của các địa phương; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tuân thủ các quy trình sản xuất... để ký kết được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bền vững; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương.
Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất chân chính và người tiêu dùng.
Hoài Anh (t/h)