Tại diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại” được tổ chức vào ngày 1/8 tại Hà Nội, ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, sản xuất và tiêu dùng bền vững là xu hướng thiết thực và bắt buộc đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế và xã hội. Trong quá trình này, doanh nghiệp và người tiêu dùng là hai chủ thể có vai trò quan trọng và có sự tương tác qua lại chặt chẽ với nhau. Để bảo đảm hiệu quả của hoạt động thì việc nâng cao nhận thức của chủ thể hoạt động là giải pháp có tính căn cơ, quyết định sự thành công và mang tới kết quả bền vững.
“Sản xuất và tiêu dùng bền vững là một quá trình lâu dài, không thể đạt được kết quả thành công trong một thời gian ngắn. Đây cũng là quá trình đòi hỏi sự tham gia của tất cả chủ thể trong xã hội, trong đó, người tiêu dùng là nhân tố đóng vai trò quyết định, vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là động lực, là mục tiêu để các chủ thể khác hướng tới” - ông Lê Triệu Dũng nhấn mạnh.
Khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ, sự kỳ vọng của người tiêu dùng với doanh nghiệp về những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường. Theo đó, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng.
Bên cạnh đó, khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh từ góc nhìn của người tiêu dùng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cũng cho thấy, tiêu dùng xanh đang trở thành vấn đề tất yếu. Họ nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi hành vi, thói quen để có các tác động tích cực và bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Ông Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - nhấn mạnh: Để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cần đảm bảo 3 nguyên tắc: Bắt đầu từ việc thay đổi thiết kế sản phẩm, gồm: Loại bỏ rác thải và ô nhiễm; tăng vòng đời sản phẩm và nguyên vật liệu; và tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên. Mô hình này cần được doanh nghiệp áp dụng trong 5 giai đoạn: Điều đầu tiên là cải tiến thiết kế sản phẩm nhằm tăng khả năng tái chế và tái sử dụng; thứ hai là quá trình sản xuất hạn chế, không tạo ra rác thải; thứ ba là tiêu dùng có trách nhiệm; thứ tư là quản lý rác thải và biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị thông qua việc tái sử dụng và tái chế; và cuối cùng là khâu thiết kế đóng vai trò quan trọng vì có thể giúp giảm rác thải ngay từ lúc sản phẩm chưa đến tay người tiêu dùng".
Tiến Hoàng