Bộ Tài chính vừa có văn bản xin ý kiến các bộ ngành, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), UBND các tỉnh, thành phố về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) 2% áp dụng trong năm 2024. Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị này cho ý kiến về đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT, sau khi có ý kiến của các cơ quan bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chinh sẽ trình Quốc hội ban hành nghị quyết tương tự như năm 2023.
Theo Bộ Tài chính, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Bộ Tài chính cho rằng, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024.
Theo đó, bộ này kiến nghị tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 như đã, đang áp dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Cụ thể: giảm 2% thuế VAT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ loại trừ, không được áp dụng chính sách giảm thuế VAT nêu trên gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Sau thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Đánh giá tác động đến thu ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 25 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,175 nghìn tỷ/tháng, trong đó, giảm thu khâu nội địa là 2.700 tỷ đồng; giảm thu khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng).
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Về hình thức văn bản, Bộ Tài chính cho biết, để đảm bảo tính khả thi, tiến độ thực hiện, đồng thời có thể sớm đưa giải pháp vào thực hiện trong thực tế, đảm bảo tính liên tục và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để kịp tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính trình Chính phủ đưa nội dung giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 vào Báo cáo tình hình thực hiện NSNN năm 2023, dự toán NSNN năm 2024 để trình Quốc hội ra Nghị quyết chung (không ban hành Nghị quyết riêng về giảm thuế GTGT).
Các chuyện gia kinh tế cho rằng, việc giảm thuế VAT 2% sẽ khuyến khích người dân mua thêm hàng hóa. Qua đó, chính sách này còn hỗ trợ cho doanh nghiệp bán được thêm nhiều hàng, kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động trở lại.
Chuyên gia kinh tế đề nghị nâng tỷ lệ thuế giảm thêm 2% nữa hoặc kéo dài thời gian giảm thuế đến hết năm 2024 thay vì chỉ giảm trong 6 tháng đầu năm 2024 như hiện nay. Như vậy sẽ có tác dụng trong tiêu dùng mạnh mẽ hơn và kích sức mua ở nông thôn. Từ đó, tiếp tục thúc đẩy sản xuất xã hội, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành một cách hợp lý và tổ chức lại hệ thống phân phối rộng khắp, đủ mạnh, thiết lập các chuỗi cung ứng hàng hóa ngắn, giảm trung gian. Đồng thời, ngăn chặn các hành vi "té nước theo mưa" quá mức khi giá xăng dầu, gas đang có chiều hướng tăng.
Bên cạnh việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, cần kiểm soát thị trường chống hàng lậu, hàng giả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xã hội; kiên quyết kéo giá cao vô lý xuống, chống độc quyền mua độc quyền bán, tạo ra thị trường công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật.
Tiến Hoàng