Đền Trấn Vũ – Ngôi đền cổ linh thiêng lưu giữ Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

Đền Trấn Vũ có tên chữ là “ Trấn Vũ quán” hay “ Hiển linh Trấn Vũ quán” là một ngôi đền cổ có từ thời vua Lê Thánh Tông (1460-1496) nằm ngay sát phía trong đê sông Hồng thuộc xóm Đìa, thôn Ngọc Trì, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 5, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.

Ngôi đền cổ linh thiêng

Theo dân gian kể rằng, vua Lê Thánh Tông đi chinh phạt phương Nam có đóng quân ở Cự Linh, đức vua được Thánh Tổ ứng mộng. Ngài bèn cho lập đền thờ, tượng và bài vị bằng gỗ ghi chữ vàng “ Hiển linh Trấn Vũ quán” có tự lúc ấy. Đền Trấn Vũ được xây dựng trên thế đất Quy Xà hội tụ và nhìn về hướng Bắc. Trên đồng có gò đất nổi lên được coi là hình Rùa. Sau đền và chùa là đê sông Hồng, được coi là hình Rắn (hay Rồng). Ông Mai Tự Lĩnh, hiện đang công tác tại Ban quản lý di tích đền Trấn Vũ cho biết: “Đền được xây dựng làm 3 phần là tiền tế, trung đường và hậu cung. Đặc trưng của ngôi đền là xây dựng quay về hướng Bắc, trong hậu cung có thờ đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ”.

Đền Trấn Vũ – Ngôi đền cổ linh thiêng lưu giữ Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh - Ảnh 1
Đền Trấn Vũ – Ngôi đền cổ linh thiêng lưu giữ Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh - Ảnh 2
Đến Trấn Vũ là ngồi đền cổ xưa có kiến trúc độc đáo, lưu giữ nhiều di sản quý. (Ảnh: PV)
Đến Trấn Vũ là ngồi đền cổ xưa có kiến trúc độc đáo, lưu giữ nhiều di sản quý. (Ảnh: PV)

Sự tích về Huyền Thiên Trấn Vũ có nhiều dị bản khác nhau, trong đó, sự tích được ghi tại đền Trấn Vũ, Thạch Bàn trên bia đá có nội dung tóm tắt như sau: Trải qua 4 lần giáng sinh và tu hành tại các nước khác nhau, Ngài đã đắc đạo và có công lớn trong việc diệt trừ yêu quái, giúp trời yên biển lặng, dân cư yên ổn, vạn vật sinh sôi. Ngài còn phù hộ việc phá giặc phương Bắc xâm lược, giúp nước, đỡ dân, công đức to lớn vô cùng. Từ thời Thục Phán An Dương Vương đến nay, các triều đại đều sắc phong cho ngài là Thượng đẳng thần, cấp đất đai, hương hỏa để phụng thờ.

Ông Lĩnh cho biết thêm: “Đền Trấn Vũ đã trải qua nhiều đợt tu sửa vào thế kỷ 17, 18 và 20 và đến thời Nguyễn thì được tu sửa và xây dựng lại hoàn toàn. Pho tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ là một trong 2 pho tượng cổ bằng đồng lớn nhất hiện còn. Cùng với tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh Ba Đình, tượng Trấn Vũ ở Thạch Bàn là biểu hiện rực rỡ của nghệ thuật tạo tượng lớn và kỹ thuật siêu việt trong nghề đúc đồng cổ truyền. Đây là pho tượng đúc liền khối bằng đồng thau, mặt ngoài có sơn thếp nặng khoảng 6 tấn”. Năm 2015, Nhà nước đã chính thức công nhận bức tượng Huyền thiên Trấn Vũ là bảo vật quốc gia.

Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đúc bằng đồng được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015. (Ảnh: PV)
Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đúc bằng đồng được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015. (Ảnh: PV)

Ngoài ra, tại Thượng cung còn có tượng 12 nguyên soái. Đó là các thiên tướng theo Ngài đi trừ yêu quái, nay còn 10 pho xếp thành 2 dãy sát tường chầu vào giữa. Các pho tượng được tạo bằng đất, mỗi pho tượng có vẻ mặt khác nhau như mặt ngựa, mặt chim, nhìn chung có nét hung dữ, kỳ quái như đầu có nhiều mặt. Cùng với đó, đền còn lưu giữ được 4 bia đá cổ ghi sự tích, trùng tu đền Trấn Vũ; 1 bộ ván in của Đạo giáo, hệ thống hoành phi, câu đối tả cảnh đẹp của đền, ca ngợi công đức của thánh Trấn Vũ và rất nhiều tài liệu cổ xưa như 50 quẻ thẻ khắc trên gỗ, 23 đạo sắc phong đã được công nhận là tài liệu quý hiếm, những sắc phong đó có từ năm 1470 vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Đền Trấn Vũ – Ngôi đền cổ linh thiêng lưu giữ Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh - Ảnh 3
Tượng các thiên tướng theo Huyền Thiên Trấn Vũ trừ yêu nhìn chung có nét hung dữ, kỳ quái. (Ảnh: PV)
Tượng các thiên tướng theo Huyền Thiên Trấn Vũ trừ yêu nhìn chung có nét hung dữ, kỳ quái. (Ảnh: PV)

Nghi lễ “Kéo co ngồi” tại Lễ hội đền Trấn Vũ – Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

Lễ hội đền Trấn Vũ diễn ra từ ngày 1/3 đến hết ngày 4/3 Âm lịch hàng năm. Chính hội diễn ra vào ngày 3/3 Âm lịch - ngày sinh của Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Sau màn dâng hương của đại diện các mạn trong khu vực là nghi lễ “Kéo co ngồi”, đây là nghi lễ có truyền thống xa xưa đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tương truyền, xưa kia phường Thạch Bàn có 12 giếng nước. Vào năm hạn hán, 11 giếng cạn hết nước, chỉ còn giếng nước ở xóm Đìa. Trai xóm Đường và xóm Chợ đến giếng gánh nước về dùng. Xóm Đìa sợ hết nước nên không cho lấy. Thời đó, nước được gánh bằng quang làm bằng dây song. Hai bên giằng co nhau cái quang đựng nước. Bên giằng, bên giữ, lại sợ đổ mất nước nên cả hai bên cùng ngồi xuống đất mà ôm thùng nước. Từ việc ngồi giằng co nhau để giữ thùng nước, nhân dân trong vùng đã sáng tạo ra lễ hội “Kéo co ngồi”.

Nghi lễ “Kéo co ngồi” diễn ra hàng năm trong không khí phấn khởi, đây là cơ hội để người dân phát huy truyền thống anh hùng giữ nước và đoàn kết tạo thành một sức mạnh vô địch. (Ảnh: sưu tầm)
Nghi lễ “Kéo co ngồi” diễn ra hàng năm trong không khí phấn khởi, đây là cơ hội để người dân phát huy truyền thống anh hùng giữ nước và đoàn kết tạo thành một sức mạnh vô địch. (Ảnh: sưu tầm)

Ông Vũ Hồng Phi, Phó trưởng Ban quản lý di tích đền Trấn Vũ cho biết: “Thời kỳ đầu chỉ có 2 mạn là mạn Đường và mạn Chợ tổ chức với nhau, sau có thêm mạn Đìa tham gia. Theo truyền thuyết các cụ kể lại, nếu tổ chức kéo co mạn Đường thắng thì những năm đó người dân làm ăn may mắn, mùa màng bội thu”. Về không gian thực hành kéo co ngồi thì kéo bằng dây song, dây song được luồn qua cột gỗ lim được chôn xuống đất, các mạn ngồi phệt xuống đất để kéo co. Đặc biệt nữa là nghi thức kéo co phải thực hiện ở trên ruộng nền đất.

Ông Phi chia sẻ, việc tổ chức trình diễn nghi lễ "Kéo co ngồi" tại Lễ hội đền Trấn Vũ nhằm đưa đến cho nhân dân, khách thập phương xa gần chiêm ngưỡng nghi lễ cổ của ông cha, tái hiện lại nét văn hóa truyền thống đặc sắc, cùng thể hiện mong muốn, khát vọng của người dân Ngọc Trì nói riêng và người dân cả nước nói chung: cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, một cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc.

Lê Hải – Hải Phong – Quốc Việt