Dẻo thơm hương vị bánh uôi tình nhân của người Mường

Bánh uôi hay còn gọi là bánh tình yêu, bánh vợ chồng, bánh đoàn kết - một món ăn đặc trưng của người Mường. Theo đó, vào mỗi dịp trọng đại như giỗ chạp, lễ Tết, trên mâm cúng của người Mường chắc chắn không thể thiếu thứ bánh này.

Dẻo thơm hương vị bánh uôi tình nhân của người Mường - Ảnh 1

Không ai biết được chính xác bánh uôi có từ bao giờ? Do ai sáng tạo ra? Chỉ biết rằng món bánh này đã có từ rất lâu đời và đã trở thành niềm tự hào của người Mường. Theo truyền thuyết kể lại rằng khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay nhau, trên đường Tổ Mẫu Âu Cơ đưa 50 con về Mường Trời, trong hành trang có đem một loại bánh nếp, bên trên bề mặt bánh rắc lạc và vừng, đây là những nguyên liệu nông nghiệp gắn bó với đời sống người dân. Từ đó, để tưởng nhớ về cội nguồn, người dân đặt tên cho thức bánh này là bánh Tổ, theo tiếng Việt cổ gọi là bánh uôi.

Cách làm bánh uôi

Các công đoạn chuẩn bị để làm bánh uôi khá đơn giản nhưng lại đòi hỏi thời gian và sự tỉ mỉ của người gói. Nếp nương còn thơm mùi lúa mới là nguyên liệu chính để làm bánh uôi. Gạo sau khi ngâm cho mềm sẽ để ráo nước rồi đem đi xay nhuyễn. Phần nhân có hai loại mặn ngọt để phù hợp với khẩu vị của từng người. nhân ngọt sẽ được làm bằng hạt đậu nho nhe (loại hạt đặc trưng của người Mường) hoặc nhân đậu xanh, nhưng ngon hơn cả là nhân đậu nho nhe vì nó thơm và đặc biệt hơn. Còn nhân mặn thì chỉ cần thịt lợn tẩm ướp cùng chút gia vị và tiêu. Bánh được gói bằng lá chuối tây hoặc chuối rừng, trước khi gói người Mường sẽ phơi lá ngoài nắng hoặc hơ qua lửa cho mềm để khi gói không bị rách. Sau khi gói xong bánh sẽ cố định lá bằng lạt tre để không bị bung.

Dẻo thơm hương vị bánh uôi tình nhân của người Mường - Ảnh 2

Bánh có hình dạng khá đặc biệt với hai phần giống hệt nhau và úp mặt vào nhau như hai mà một, có lẽ đây cũng là lí do vì sao bánh uôi còn được gọi với cái tên mỹ miều là bánh tình nhân. Sau khi gói xong bánh sẽ được đem đi hấp trong chõ trong vòng một giờ, khi lá chuối chuyển sang màu đậm thì bánh đã chính. Vì bánh uôi rất dẻo nên phải tước lá chuối thật nhẹ và nhỏ thì bánh mới không bị vỡ. Cắn một miếng bánh uôi, cái dẻo thơm của nếp nương cùng với vị thơm ngon của nhân hòa quyện trong đầu lưỡi mang lại hương vị độc đáo, khó quên.

Dẻo thơm hương vị bánh uôi tình nhân của người Mường - Ảnh 3

Có lẽ người Mường xưa kia gọi chiếc bánh uôi là bánh tình yêu xuất phát từ hình thức hai chiếc bánh được gói chung một lá kết nối với nhau, hoặc dựa vào bối cảnh gói loại bánh này khi trai gái thường tụ tập nhau lại cùng làm bánh sau mỗi ngày đồng áng và qua những buổi tụ tập ấy họ cảm mến nhau, yêu nhau khi đã cùng sẻ đôi một cái bánh hoặc làm bánh để tiếp bạn trai, bạn gái ở xa đến chơi…

Ngoài mang ý nghĩa tượng trưng cho tình yêu, sự đoàn kết nó còn gắn liền với một quan niệm dân gian thơm thảo của người Mường đó là vào ngày đầu tiên của năm mới người Mường sẽ treo lên mỗi loại nông cụ như liềm, cuốc, xẻng… một cặp bánh uôi, những con vật nuôi trong gia đình cũng sẽ được ăn hoặc chà bánh lên mõm. Hành động này thể hiện sự biết ơn vì đối với những nông cụ và vật nuôi đã vất vả cùng con người tạo ra của cải vật chất. Bánh uôi là thứ bánh mang đầy ý nghĩa thể hiện sâu sắc nhân sinh quan đầy tính nhân văn của người Mường.

Hương Quỳnh – Tú Lê