CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG – sàn HNX) thông báo ngày 1/10 sắp tới sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền chi trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu.
Với 79,54 triệu cổ phiếu đang lưu hành, TNG sẽ phát hành thêm gần 6,4 triệu cổ phiếu mới để thực hiện trả cổ tức năm 2020.
Tỷ lệ phân bổ là 8%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 100 cổ có quyền nhận 8 cổ phiếu mới phát hành. Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2020,
Lũy kế 8 tháng, TNG đạt doanh thu 3.543 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 170,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 15,6% và 17,5% so với cùng kỳ.
Theo TNG, doanh thu và lợi nhuận cải thiện nhờ ngay từ đầu năm đã định hướng tập trung khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB (chủ động từ nguyên liệu đến thành phẩm) chủ đạo, doanh thu đơn hàng FOB tăng; khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam; đẩy mạnh dòng sản phẩm kỹ thuật, cao cấp.
Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam chia sẻ, sự hồi phục về xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2021 là nhờ nỗ lực của Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chính sách và động thái hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và thông thương hàng hoá.
Bên cạnh đó, ngành dệt may hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu (EU)- Việt Nam), thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến Quý III năm nay.
Hiện nay, dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam, nhiều doanh nghiệp dệt may đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động, khó duy trì được 100% năng lực sản xuất. Điều này dẫn đến xu hướng các đơn vị dệt may ở miền Nam tìm đến đơn vị ở miền Trung và Bắc – những nơi ít bị ảnh hưởng dịch bệnh để đặt hàng gia công.
Dệt may TNG có địa bàn hoạt động chủ yếu ở tỉnh Thái Nguyên, địa phương có số ca nhiễm ít và kể từ giữa tháng 8 không phát sinh ca mới. Doanh nghiệp cho biết trong tháng 8 vẫn tuyển dụng thêm gần 600 lao động bổ sung cho các nhà máy mới thành lập, tăng năng lực sản xuất.
Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh châu Âu, một số đơn hàng khách hàng đã yêu cầu giảm giá bán từ 1 – 2% so với giá ký ban đầu nên Dệt may TNG đạt hơn 4.480 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ 2,9% so với doanh thu đạt được năm 2019. Tuy nhiên chi phí tăng cao và trong năm công ty ghi nhận khoản lỗ khác hơn 15 tỷ đồng (năm 2019 lỗ 3,5 tỷ đồng) nên lợi nhuận sau thuế chỉ giảm 33,2% xuống còn 153,6 tỷ đồng.
Trên thị trường cổ phiếu TNG tăng mạnh với tỷ lệ tăng 115% kể từ đầu năm 2021 đến nay. Hiện cổ phiếu TNG đang giao dịch quanh vùng giá cao nhất từ trước đến nay, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/9, cổ phiếu TNG giảm 1,8% so với mức giá lập đỉnh ngày 16/9 xuống mức 32.400 đồng/cổ phiếu.