Dịch bệnh phức tạp, xuất khẩu hàng hóa giảm, Việt Nam nhập siêu 2 tháng liên tiếp

Ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 giảm so với tháng trước và Việt Nam nhập siêu tháng thứ 2 liên tiếp.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 5 năm 2021 chịu tác động mạnh của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trong nước khiến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại một số tỉnh bị ảnh hưởng. Ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm so với tháng trước và Việt Nam nhập siêu tháng thứ 2 liên tiếp.

Ước tính tháng 5 năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước. Hầu hết các sản phẩm trong nhóm 6 mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD đều giảm hoặc tăng thấp so với tháng trước, bao gồm: Điện thoại và linh kiện giảm 3%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 18%; dệt may tăng 3,7%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 0,1%.

Dịch bệnh phức tạp, xuất khẩu hàng hóa giảm, Việt Nam nhập siêu 2 tháng liên tiếp - Ảnh 1

Về nhập khẩu, tổng kim ngạch tháng 5 đầu năm 2021 ước tính đạt 28 tỷ USD tăng nhẹ 0,8% so với tháng trước. Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất trong tháng 5 là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,2% so với tháng trước. Ngoài ra, còn một số nhóm hàng nhập khẩu “tỷ USD” khác đều giảm hoặc tăng thấp so với tháng trước như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,9 tỷ USD, giảm 0,6%; điện thoại và linh kiện đạt 1,3 tỷ USD, giảm 3,2%; chất dẻo đạt 1,1 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5%.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 2 tỷ USD, là tháng thứ 2 liên tiếp nhập siêu, sau khi tháng Tư đã nhập siêu 1,23 tỷ USD. Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 130,94 tỷ USD, nhập khẩu đạt 131,31 tỷ USD. Với mức thâm hụt thương mại 2 tỷ USD trong tháng 5, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5 năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa quay trở lại nhập siêu 369 triệu USD trong khi cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 3,9 tỷ USD.

Việc xuất khẩu sụt giảm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố trọng điểm ở khu vực miền Bắc, trong đó Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội là 3 trong số 8 địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu từ 10 tỷ USD trở lên (tính trong 4 tháng đầu năm 2021), là một khó khăn rất lớn đặt ra cho các địa phương trên cả nước trong việc bảo vệ các khu công nghiệp chống lại sự lây lan của dịch bệnh. Trong tháng 5, Bắc Giang là địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp nhất với gần 2.000 ca bệnh mới trong vòng 1 tháng. Đây đang là địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng hết sức ấn tượng trong những năm gần đây. Trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 10,38 tỷ USD, tăng 83,3% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng đầu năm 2020 tăng 54,4% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó xuất khẩu đạt 5,15 tỷ USD, tăng 82,8%; nhập khẩu đạt 5,23 tỷ USD, tăng 83,7%.

Dự báo trong các ngày tới dịch bệnh vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp khó lường, khó kiểm soát, nhất là tại các khu công nghiệp, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế – xã hội, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Trong tình hình đó, việc bảo vệ các khu công nghiệp là vấn đề mấu chốt để kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, ngày 24/5/2021, Thường trực Chính phủ đã họp về phòng chống dịch Covid-19. Sau cuộc họp này, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 121/TB-VPCP thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về phòng chống dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung phòng chống dịch tích cực hiệu quả hơn nữa; cần phá huy tốt các thành quả đã đạt được, đúc rút kinh nghiệm điều chỉnh để nhanh chóng thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh bằng các nhiệm vụ giải pháp phù hợp hiệu quả; phải hết sức bình tĩnh sáng suốt bản lĩnh linh hoạt sáng tạo để xử lý và xem khó khăn, thách thức là động lực để vươn lên, để vượt qua và để trưởng thành; trong đó tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến các khu công nghiệp như:

– Công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp là một trong những đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin trước;

– Tăng cường quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động cách ly, khai báo y tế, an toàn phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất có đông công nhân…

– Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Y tế, các bộ và các địa phương có liên quan để khẩn trương hoàn thiện quy trình vận chuyển, lưu thông nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa giữa các doanh nghiệp, giữa các khu công nghiệp, giữa các vùng có dịch và giữa các địa phương, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và không làm đình trệ, ách tắc hoạt động sản xuất kinh doanh.

– Bộ Ngoại giao khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân cấp quyết định và giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đúng luật pháp việc cho chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao và thân nhân nhập cảnh làm việc tại Việt Nam.

Với những giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ sớm khống chế được đợt dịch COVID-19 lần này, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Bảo An