Điểm mới của chính sách thuế, doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 7/2021

Từ ngày 05/7/2021, nhiều điểm mới trong Thông tư 33/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong hoạt động kiểm dịch và bảo vệ thực vật thuộc lĩnh vực nông nghiệp sẽ có hiệu lực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

03 mức độ rủi ro với người nộp thuế là cá nhân

Thông tư 31/2021/TT-BTC về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 02/7/2021.

Theo đó, phân loại rủi ro người nộp thuế là cá nhân có 3 mức độ sau: rủi ro cao; rủi ro trung bình và rủi ro thấp.

Căn cứ vào danh sách người nộp thuế là cá nhân phân loại theo các mức rủi ro trên, cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp đối với: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; cá nhân có các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (không bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh); cá nhân có các khoản thu liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Các trường hợp được miễn phí kiểm dịch thực vật 

Thông tư 33/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong hoạt động kiểm dịch và bảo vệ thực vật thuộc lĩnh vực nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 05/7/2021.

Kiểm dịch lô hàng giống dùng cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường hợp khối lượng: nhỏ hơn hoặc bằng 01 kg (hạt giống), nhỏ hơn hoặc bằng 10 cá thể (cành ghép, mắt ghép, hom giống, củ giống) đối với 01 chủng loại giống cho 01 lần nhập khẩu, xuất khẩu;

Kiểm dịch sản phẩm thực vật xách tay nhập khẩu để sử dụng trong thời gian đi đường;

Kiểm dịch thực vật theo nghi thức ngoại giao khi xuất cảnh, nhập cảnh; Kiểm dịch thực vật phục vụ các sự kiện của quốc gia; Kiểm dịch thực vật làm quà tặng của Nguyên thủ quốc gia; Kiểm dịch thực vật xuất khẩu vào các thị trường mới mở.

Đối tượng được mua cổ phần khi cổ phần hóa DNNN

Thông tư 32/2021/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

Theo đó, đối tượng mua cổ phần khi DNNN cổ phần hóa gồm: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 6 Nghị định 126/2017/NĐ-CP và khoản 3 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP là các tổ chức, cá nhân, gồm cả người lao động và người quản lý doanh nghiệp trong doanh nghiệp cổ phần hóa;

Nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 126/2017;

Các đối tượng theo quy định tại Điều 42 Nghị định 126/2017, khoản 21 Điều 1 Nghị định 140/2020;

Tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 33 Nghị định 126/2017.

Tổ chức công đoàn ủy quyền cho người có thẩm quyền của tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện các thủ tục liên quan đến việc mua cổ phần.

Nguyên tắc huy động, sử dụng các nguồn tài chính cho Chương trình 1322

Thông tư 35/2021/TT-BTC về cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1322) có hiệu lực từ 05/7/2021.

Theo đó, nguyên tắc huy động và sử dụng các nguồn tài chính thực hiện Chương trình 1322 quy định đơn cử như sau:

Các nhiệm vụ thuộc Chương trình 1322 phải có phương án huy động các nguồn tài chính;

Cơ quan có thẩm quyền khi phê duyệt nhiệm vụ thuộc Chương trình 1322, căn cứ vào quy định tại Thông tư 35/2021 xác định mức chi từ nguồn kinh phí khác thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo cơ cấu tài chính, kinh phí thực hiện Chương trình 1322;

Định mức chi, công tác hạch toán, quyết toán nguồn kinh phí khác được thực hiện theo các quy định hiện hành đối với từng loại nguồn vốn, khuyến khích các đơn vị thực hiện theo quy định tại Thông tư 35/2021.

Anh Tú - Doãn Chiến