* MBS khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu DNM
Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu DNM của CTCP Y tế Danameco với giá mục tiêu 47.950 đồng trên cơ sở nhu cầu về sử dụng khẩu trang và trang phục y tế trong mùa dịch Covid-19 tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp và chưa có dấu hiệu kiểm soát hoàn toàn...
Cổ phiếu DNM vẫn duy trì trạng thái biến động khá mạnh với những phiên tăng giảm trong biên độ rộng. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DNM giảm 2.000 đồng (-4,65%) từ mức giá 43.000 đồng/CP xuống 41.000 đồng/CP.
* PHS khuyến nghị tích cực đối với VCB, ACB và TCB; BVSC khuyến nghị tích cực ACB
VCB với vị thế doanh nghiệp đầu ngành cùng hiệu suất hoạt động vượt trội so với toàn ngành cùng bảng cân đối mạnh mẽ có thể giúp ngân hàng chống chịu tốt tác động của dịch bệnh. Cùng với đó là các thông tin hỗ trợ như bán vốn cho đối tác nước ngoài và hợp đồng bảo hiểm độc quyền sẽ bù đắp cho sự sụt giảm từ thu nhập lãi.
ACB là ngân hàng đang được hưởng lợi từ khẩu vị rủi ro thấp với các khoản tín dụng và trái phiếu chính phủ tương đối an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ lên ngành. Cùng với đó một số thông tin hỗ trợ như ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền như VCB hay thoái vốn tại ACBS và chuyển sàn sẽ là những động lực hỗ trợ cho ngân hàng này.
Chúng tôi cũng đặc biệt chú ý tới TCB khi định giá của ngân hàng đã có phần dễ chịu hơn so với giai đoạn trước. Trong khi đó TCB được đánh giá cao với mô hình kinh doanh của mình cùng với đó là tệp khách hàng có chất lượng cao sẽ giúp ngân hàng hoạt động ổn định trong giai đoạn này. Cộng thêm đó, bộ đệm vốn dày nhất hệ thống sẽ giúp TCB chống chịu tốt hơn so với các ngân hàng trong ngành.
Trong khi đó, BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu ACB với mức giá mục tiêu 1 năm là 29.600 đồng/cp (lợi nhuận kỳ vọng 24,4%), định giá cổ phiếu tại mức P/B hợp lý là 1,4 lần.
Thị trường đã có một tuần giao dịch không mấy tích cực khi liên tiếp chứng kiến những phiên giao dịch mất điểm. Trong đó, áp lực bán dù không quá lớn nhưng tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechip là tác nhân chính gây nên sự điều chỉnh của thị trường, đặc biệt là dòng bank chứng kiến sự sụt giảm của hầu hết các mã chứng khoán.
Cụ thể, cổ phiếu đầu ngành VCB đã đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB giảm 2.100 đồng (-2,46%) từ mức giá 85.400 đồng/CP xuống 83.300 đồng/CP.
Trong khi đó, ACB có tuần tiêu cực hơn khi liên tiếp đón nhận 5 phiên giảm. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB giảm 800 đồng (-3,28%) từ mức giá 24.400 đồng/CP xuống 23.600 đồng/CP.
Cổ phiếu TCB cũng không đi ngược xu hướng chung dù tại ĐHCĐ thường niên mới đây, Ngân hàng đã đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020 trong kịch bản thận trọng là 13.000 tỷ đồng, tăng trưởng 1% so với kết quả năm 2019. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCB giảm 150 đồng (-0,73%) từ mức giá 20.500 đồng/CP xuống 20.350 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho MBB với giá mục tiêu 22.500
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho MBB với giá mục tiêu 22.500 đồng/CP.
Một mã khác trong nhóm cổ phiếu ngân hàng là MBB cũng không mấy sáng sủa dù những kế hoạch được thông qua tại ĐHCĐ thường niên mới đây khá tích cực. Cụ thể, MBB dự kiến sẽ trả cổ tức trong năm với tỷ lệ 15% và dự kiến chia hơn 25 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông.
Tuy nhiên, tuần qua, với việc đón nhận 1 phiên tăng, 1 phiên giảm và 3 phiên đứng giá, tổng cộng, giá cổ phiếu MBB giảm 150 đồng (-0,86%) từ mức giá 17.500 đồng/CP xuống 17.350 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 34.600 đồng/CP
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 34.600 đồng, +38.5% so với mức giá ngày 23/06/2020 là 25.000 đồng (giảm 7,4% so với giá mục tiêu cũ, do điều chỉnh cập nhật thông tin một số dự án) dựa trên phương pháp RNAV với mức chiết khấu WACC = 13% cho các dự án và mức 10% cho rủi ro về khả năng chậm trễ trong tiến độ bán hàng.
Trái với khuyến nghị của BSC, diễn biến cổ phiếu NLG tuần qua không mấy tích cực sau những con số kế hoạch kinh doanh năm 2020 được đưa ra tại ĐHCĐ thường niên không mấy khả quan với doanh thu giảm 40%, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 18% so với năm 2019. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG giảm 300 đồng (-1,18%) từ mức giá 25.400 đồng/CP xuống 25.100 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho PNJ với giá mục tiêu 68.100 đồng/CP
Chúng tôi có khuyến nghị mua đối với PNJ, giá mục tiêu 68.100 đồng/CP, tương đương tổng mức sinh lời dự phóng 16,9% (bao gồm lợi suất cổ tức 3%).
Vừa qua, PNJ đã công bố báo cáo tháng 5 với doanh thu thuần ghi nhận 1.019 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 47 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 20% và 22% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, thông tin tích cực này cũng không giúp cổ phiếu PNJ bứt phá trong tuần qua. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 1 phiên giảm và 2 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ tăng 500 đồng (+0,85%) từ mức giá 59.100 đồng/CP lên 59.600 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho PVT với giá mục tiêu 13.400 đồng/CP
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PVT với giá mục tiêu 13.400 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 22,4%). Theo giá đóng cửa hôm nay, PVT hiện được giao dịch tại EV/EBITDA dự phóng năm 2020 là 4,0 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Cùng với kế hoạch kinh doanh sụt giảm mạnh với lợi nhuận sau thuế năm 2020 đặt mục tiêu đạt 433 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với con số hơn 820 tỷ đồng thực hiện năm 2019, diễn biến cổ phiếu PVT tuần qua không được như kỳ vọng của VCSC. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVT không có biến động và giữ nguyên mức giá 10.750 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho FPT
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP FPT (FPT) khi nâng giá mục tiêu thêm 3% khi chúng tôi điều chỉnh tăng nhẹ dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020/2021/2022 thêm 4%/1%/1%. Các điều chỉnh này chủ yếu đến từ tăng trưởng doanh thu trong mảng Xuất khẩu Phần mềm duy trì ổn định hơn dự kiến.
Trái với khuyến nghị của VCSC, diễn biến cổ phiếu FPT diễn ra lình xình trong biên độ hẹp. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 150 đồng (-0,32%) từ mức giá 47.000 đồng/CP xuống 46.850 đồng/CP.
* PHS khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu PVD
Bằng phương pháp EV/EBITDA và P/B, chúng tôi ước tính thận trọng giá trị hợp lý của PVD là 10.500 đồng/cổ phiếu, tăng 0.6% so với mức giá hiện tại. Do đó, khuyến nghị giữ đối với cổ phiếu này.
Cũng thuộc nhóm cổ phiếu P, diễn biến cổ phiếu PVD tuần qua cũng không mấy tích cực với các phiên giao dịch lình xình và tiếp tục để mất điểm với kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm giảm mạnh tới hơn 63% so với kết quả đạt được năm 2019. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 2 phiên giảm và 2 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVD giảm 250 đồng (-2,34%) từ mức giá 10.700 đồng/CP xuống 10.450 đồng/CP.
* Theo BSC, cân nhắc chốt lại PDR tại vùng kháng cự 29-30
Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh quanh vùng giá 24-25 và có thể cân nhắc chốt lãi tại vùng kháng cự 29-30 trong các phiên giao dịch tới. Cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 23.0.
Trái với khuyến nghị của BSC, ngay sau khi tiếp cận mức giá 25, áp lực bán gia tăng đã khiến PDR quay đầu giảm. Tuy nhiên, những phiên tăng mạnh đầu tuần đã giúp nhà đầu tư vẫn kiếm lời từ PDR trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng trong đó có 1 phiên tăng trần ngày 22/6 và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PDR tăng 1.100 đồng (+4,74%) từ mức giá 23.200 đồng/CP lên 24.300 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 129.000 đồng/CP
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG của CTCP Thế giới di động với giá mục tiêu 129.000 đồng
Dù đưa ra những thông tin khá tích cực từ kết quả kinh doanh tháng 5 với việc ghi nhận doanh thu 10.305 tỷ đồng, tăng 32% so với tháng 4 và tháng 19% so với cùng kỳ năm trước, nhưng diễn biến cổ phiếu MWG đi ngược với nhận định của VCSC. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 300 đồng (-0,36%) từ mức giá 84.500 đồng/CP lên 84.200 đồng/CP.
* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu VIC tại ngưỡng 100
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VIC nằm tại mốc 94. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại ngưỡng 100, cắt lỗ nếu vùng giá 88-89 bị xuyên thủng.
Không chỉ dừng lại ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều mã lớn trên thị trường cũng đã gia tăng sức ép, trong đó VIC tiếp tục có thêm một tuần mất điểm. Cụ thể, với việc đón nhận 4 phiên giảm và 1 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VIC giảm 5.800 đồng (-5,96%) từ mức giá 97.300 đồng/CP xuống 91.500 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho SAB với giá mục tiêu 190.000 đồng/CP
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan dành cho SAB với giá mục tiêu 190.000 đồng, tương đương tổng mức sinh lời kỳ vọng 16,4%, đã bao gồm 2,1% lợi suất cổ tức.
Mặc dù đi ngược xu hướng chung và là điểm sáng của thị trường trong phiên cuối tuần 26/6 nhưng diễn biến thiếu tích cực trong những phiên giao dịch trước đó khiến SAB tiếp tục có thêm một tuần giảm giá. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SAB giảm 1.500 đồng (-0,9%) từ mức giá 166.300 đồng/CP xuống 164.800 đồng/CP.
N.T
Theo Đầu tư Chứng khoán