Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022

Với chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, trong 6 tháng đầu năm 2022, mọi hoạt động kinh doanh, đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa, thể thao… đã trở lại trạng thái bình thường mới, Đà Nẵng là một trong các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, dần lấy lại đà tăng trưởng.

 Với chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, trong 6 tháng đầu năm 2022, mọi hoạt động kinh doanh, đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa, thể thao… đã trở lại trạng thái bình thường mới, Đà Nẵng là một trong các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, dần lấy lại đà tăng trưởng.

Quang cảnh chương trình " Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022
Quang cảnh chương trình " Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022

Để tạo đà tăng trưởng cho thành phố sau thời gian đóng băng vì đại dịch COVID-19, chiều ngày 25/6/2022, Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 với sự tham dự của gần 600 đại biểu đến từ: Lãnh đạo Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan; một số đại sứ quán và các cơ quan lãnh sự đóng trên địa bàn thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố; các cơ quan ban ngành; đại diện lãnh đạo các hội, hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề; các cơ quan báo, đài  Trung ương, địa phương trên địa bàn thành phố, các phóng viên và các hãng thông tấn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Diễn đàn còn có sự tham dự trực tuyến của hơn 300 đại biểu.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan; đại diện một số đại sứ quán đã dự Diễn đàn.

Về phía địa phương, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Lương Minh Triết, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cùng lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các cơ quan lãnh sự đóng trên địa bàn đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Các nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn đầu tư  Đà Nẵng 2022
Các nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn đầu tư  Đà Nẵng 2022

 Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 được tổ chức nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của thành phố Đà Nẵng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư; tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong bối cảnh khi mở cửa nền kinh tế sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đặc biệt, về phía doanh nghiệp, diễn đàn có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo các hội, hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp trong và ngoài nước có quy mô lớn, đóng góp nhiều cho thành phố, các doanh nghiệp vệ tinh đã dự và đóng góp ý kiến ở sự kiện. Diễn đàn cũng có sự góp mặt của các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề, các cơ quan truyền thông địa phương, trong nước và quốc tế.

Ông Lê Trung Chinh Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu khai mạc
Ông Lê Trung Chinh Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhận định, bất chấp đại dịch Covid-19 để lại nhiều thách thức đối với quá trình phát triển, song thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn “tâm và thế” để chuẩn bị đón các làn sóng chuyển dịch đầu tư mới.

Các nỗ lực phủ vaccine Covid-19, thành lập các tổ công tác xúc tiến, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng và phục hồi kinh tế ổn định… đã khẳng định cam kết đồng hành của thành phố trong nỗ lực tạo lập niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của thành phố Đà Nẵng.

Nhấn mạnh Đà Nẵng đã và đang hồi sinh tích cực, song Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng chỉ ra một số tồn tại còn hạn chế của thành phố trong môi trường kinh doanh như số lượng và chất lượng nguồn nhân lực không cân đối, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng ngoại ngữ, thủ tục hành chính còn thiếu nhất quán, tỷ lệ doanh nghiệp FDI muốn mở rộng quy mô còn thấp…

Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ, có thể kể tới tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị, trong đó đẩy nhanh phát triển cảng biển Liên Chiểu, nâng cao công suất Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng; chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất và hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu; xây dựng nguồn nhân lực; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tăng cường chuyển đổi số, xây dựng mô hình chính phủ điện tử và đào tạo cán bộ công chức chuyên nghiệp, năng động, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và phát triển.

Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã luôn đồng hành, hỗ trợ cùng Việt Nam trong hơn 2 năm phòng chống dịch vừa qua, khẳng định những vấn đề toàn cầu thì phải có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương.

Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo diễn đàn
Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo diễn đàn

Thủ tướng bày tỏ cam kết mạnh mẽ về xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng và minh bạch, công khai để các nhà đầu tư  tới Việt Nam với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, các bên đều chiến thắng.

Trước đông đảo các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng dành thời gian để phân tích về 3 nội dung lớn.

Vấn đề thứ nhất, tại sao nên đầu tư vào Việt Nam và Đà Nẵng?

Theo Thủ tướng, Việt Nam là nước đang phát triển, đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi người dân, doanh nghiệp phải hoạt động theo luật pháp và  được luật pháp bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng một cách tốt nhất; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa để phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, mọi doanh nghiệp, nhà đầu tư cho sự phát triển.

Việt Nam xác định con người là trung tâm, là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, tài năng và phẩm chất của con người để thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, đặc biệt chú trọng đến tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Không "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trải qua rất nhiều năm chiến tranh, Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải.

Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất, hiệu quả; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải dựa trên nền tảng bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, ổn định chính trị, an ninh, an toàn, an dân. Theo Thủ tướng, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, với quy mô xuất nhập khẩu khoảng gấp đôi GDP của cả nước, trong bối cảnh hiện nay, việc phải đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng là hết sức quan trọng và Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Theo Thủ tướng, chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể ứng phó, chống chọi được với những biến động của tình hình, những cú sốc từ bên ngoài và giữ được lòng tin, sự yên tâm của các nhà đầu tư.

Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới bởi sau các cuộc chiến tranh và 35 năm đổi mới, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, nhất là thực hiện 3 đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, hạ tầng và thể chế. “Chúng tôi biết sức mạnh của mình ở đâu để phát huy và nhân lên và cũng biết chỗ yếu của mình ở đâu để cùng nhau và cùng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kịp thời khắc phục”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng cũng cho biết, nhờ cách tiếp cận đúng đắn và những giải pháp phù hợp, đề cao đoàn kết, Việt Nam đã vượt qua những giai đoạn khó khăn khi thiếu thuốc, vaccine, năng lực y tế hạn chế; đã soát dịch bệnh thành công trên phạm vi cả nước, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tự tin mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh một số quyết định cho thấy sự tự tin, bản lĩnh, linh hoạt của Việt Nam như mở cửa trở lại từ tháng 3/2022 khi Hà Nội đang trên đỉnh dịch COVID-19 về số ca mắc và đưa ra quyết định tổ chức SEA Games 31 (vào tháng 5/2022) ngay từ tháng 11/2021. 

Trong bối cảnh hết sức khó khăn, chịu tác động mạnh từ tình hình thế giới, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện tích cực hơn, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Theo dữ liệu mà Nikkei công bố cho tháng 5/2022, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14 trên thế giới về Chỉ số Phục hồi COVID-19.  S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định".

Việt Nam đang đẩy mạnh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chưa bao giờ việc xây dựng các tuyến đường cao tốc được triển khai mạnh mẽ như hiện nay. Cùng với đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vấn đề thứ hai được Thủ tướng đề cập là các nhà đầu tư nên đầu tư vào lĩnh vực nào tại Việt Nam và Đà Nẵng?

Các thông tin từ Diễn đàn đã phân tích rất rõ về những tiềm năng, lợi thế, cơ hội của Đà Nẵng, Thủ tướng nhấn mạnh rằng Đà Nẵng đã vươn lên rất mạnh mẽ trong những năm qua sau khi chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam, thành phố đã và đang “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”. “Đó chính là điểm mạnh nhất của Đà Nẵng. Ai tới Đà Nẵng thời điểm khi chia tách tỉnh và thời điểm này thì mới thấy sự khác biệt”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu rõ một số lĩnh vực mà Việt Nam và Đà Nẵng đang ưu tiên thu hút đầu tư như công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp dược, trang thiết bị y tế, các ngành công nghiệp nền tảng như chế biến chế tạo, vật liệu, các ngành đổi mới, sáng tạo, phát triển thị trường vốn… 

Nhân dịp này, để các nhà đầu tư yên tâm, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm nhưng đồng thời bảo vệ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chân chính trên thị trường vốn, thị trường bất động sản…

Thủ tướng cho biết Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhưng chưa thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống; đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục kiến nghị, đề xuất với các cơ quan, các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hơn nữa các cơ chế, chính sách.

 

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam và Đà Nẵng trên tinh thần “chân thành, tin cậy và trách nhiệm”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, thực hiện thật tốt những gì đã cam kết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vấn đề thứ ba, các bộ ngành, chính quyền phải làm gì để doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam an toàn, lành mạnh và cùng phát triển; doanh nghiệp phải làm gì  để cùng phía Việt Nam xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục phát huy mạnh mẽ những kết quả đã đạt được, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Các cấp, các ngành phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, đặc biệt là đẩy mạnh, tích cực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính với doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam và Đà Nẵng trên tinh thần “chân thành, tin cậy và trách nhiệm”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, luôn “tự hào và vinh dự” khi lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư, thực hiện thật tốt những gì đã cam kết, “đã nói là làm, đã làm là hiệu quả”, cùng nhau chiến thắng, cùng Việt Nam hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, huy động tối đa mọi nguồn lực, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra tới năm 2025, 2030, 2045 xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp tại Đà Nẵng
Trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp tại Đà Nẵng

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các nhà đầu tư, doanh nghiệp được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ trương nghiên cứu đầu tư, bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư cho các dự án....