Theo đó, bệnh nhân Trần Nguyễn Thúy Ng. 12 tháng tuổi, đến từ tỉnh Kon Tum, nhập viện tại Trung tâm Nhi vào ngày 27/10/2021, lúc trẻ được 7 tháng tuổi với lý do bụng chướng căng, nôn sau bú. Trẻ được tiến hành làm đầy đủ làm các xét nghiệm và được chẩn đoán bị u nguyên bào thận hai bên. Kích thước các khối u rất to: u thận phải 15x10,5x9 cm và u thận trái 3,2x2,0x3,4 cm.
Trẻ được tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa tại bệnh viện, cũng như hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia quốc tế: Giáo Sư Davidoff Andrew, trưởng khoa ngoại, Trung tâm St. Jude Children’s Research tại Mỹ; Giáo sư Amos Loh Hong Pheng, trưởng khoa ngoại, bệnh viện bà mẹ trẻ em tại Singapore; cùng rất nhiều bác sĩ nổi tiếng khác từ Mỹ, Singapore, Nhật để đưa ra chiến lược điều trị tối ưu.
Tiếp đó, trẻ đã được tiến hành điều trị hoá chất tại Bệnh viện Trung ương Huế giúp thu gọn khối u trước khi phẫu thuật. Sau liệu trình điều trị 12 tuần, trẻ được chụp CT Scan đánh giá lại: khối u thận phải có nhỏ lại với kích thước 14x10x9,3 cm, và khối u thận trái: 2,3x2,2x1,4 cm. Trẻ được tiến hành hội chẩn trực tuyến lần thứ hai với Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị ung thư nhi St. Jude Children’s Research.
Xác định đây là trường hợp phức tạp, việc phẫu thuật bảo tồn thận không đơn giản, nhiều nguy cơ sau mổ như chảy máu hay suy thận cấp có thể xảy ra, nên các chuyên gia của hai Bệnh viện đã quyết định đưa cháu đến Trung tâm St. Jude Children’s Research Hospital để phẫu thuật.
Tại Trung tâm St. Jude, cháu được phẫu thuật trực tiếp bởi GS Davidoff Andrew cùng các đồng nghiệp. Sau phẫu thuật, do biến chứng rối loạn đông máu nặng nên không thể đóng ổ bụng ngay sau mổ cho cháu.
Theo Bệnh viện Trung ương Huế, u nguyên bào thận là loại u ác tính hay gặp nhất trong số các khối u nguyên phát của thận ở trẻ em. Trong đó u nguyên bào thận hai bên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 5% trong số các u nguyên bào thận. Điều trị u thận đòi hỏi sự phối hợp đa chuyên khoa: hóa chất, phẫu thuật và xạ trị. Trong đó, phẫu thuật cắt bỏ u đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt kỹ thuật cắt u bảo tồn thận. Với những trường hợp u thận hai bên, việc cắt bỏ u bảo tồn thận là một vấn đề hết sức phức tạp và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Không bảo tồn thận được, bệnh nhân có thể suy thận và tử vong. Nếu phẫu thuật thành công, tỷ lệ sống có thể lên đến 80%.
Thành công trong việc cắt u bảo tồn thận hai bên cho cháu bé Ng. là một niềm vui lớn cho đại gia đình bé cũng như toàn thể y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế và Trung tâm Nghiên cứu St. Jude tại Mỹ, vì đã đem lại cơ hội và sự sống mới cho cháu. Sắp đến, cháu sẽ được tiếp tục điều trị xạ trị và hoá chất thêm 8 tuần nữa tại Bệnh viện Trung ương Huế để hoàn thành liệu trình theo phác đồ chuẩn.
GS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Lĩnh vực điều trị các bệnh lý ung thư nói chung và ung thư Nhi nói riêng tại bệnh viện Trung ương Huế đang ngày một phát triển không ngừng. Bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân ung thư đến từ nhiều tỉnh thành trong toàn quốc. Bên cạnh việc hội chẩn đa chuyên khoa hàng tuần trong bệnh viện, bệnh viện còn hội chẩn trực tuyến và phối kết hợp điều trị với các chuyên gia hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật, Canada, Singapore... để tối ưu hoá trong điều trị đa mô thức nhằm đem lại kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng đã tổ chức hội nghị ung thư thường niên, quy tụ các chuyên gia ung thư hàng đầu trên thế giới cũng như trong nước về tham dự để chia sẻ, cập nhật các phác đồ điều trị ung thư mới để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân ung thư”.
VPĐD miền Trung và Tây Nguyên